Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) nêu quan điểm, các thay đổi về chính sách thuế đều có tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành nói riêng và cả xã hội nói chung.
Theo VBA, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này chưa trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, đánh giá, chính sách thuế phù hợp sẽ tạo điều kiện khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần vào sự ổn định của chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và ngược lại nếu chính sách thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Đánh giá tác động của dự án luật, VBA cho biết, dự án Luật này nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nước giải khát nói riêng.
Cụ thể là các doanh nghiệp này sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung như sau: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%; Mức thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.
Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.
"Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ luỵ như: tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển", ông Việt nói.
Trong khi đó, theo VBA, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này chưa trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi gì và hạn chế gì nếu thông qua luật này?
VBA cho biết, Bộ Tài chính đưa ra ba cơ sở để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách; Phù hợp với xu hướng quốc tế; Bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường.
"Các cơ sở thứ nhất và thứ hai chưa có số liệu chứng minh cụ thể là nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì nhà nước sẽ thu được bao nhiêu?", ông Việt nói.
Cũng như cơ sở thứ ba cần phải được chứng minh một cách khoa học về việc: “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không? ” và “nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?”
Do vậy, VBA đề nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở biện chứng rõ ràng về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung, đối với ngành sản xuất nước giải khát nói riêng và tác động đối với xã hội.
Trong trường hợp cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở một mức thuế thấp, ví dụ từ 1% đến 3%; hoặc chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao...
Nhật Linh