Hơn một năm nay, công ty TNHH H.M.P ở Tp.HCM đối mặt khó khăn trong kinh doanh, nợ nần đầm đìa khi lô hàng xe cơ giới cũ nhập khẩu từ Nhật Bản có một số xe vẫn chưa được thông quan do vừa vướng thủ tục đăng kiểm vừa gặp nhũng nhiễu.
Doanh nghiệp "tiền mất tật mang"
Lô hàng của công ty này gồm các loại xe nâng, xe máy đào, xe tự đổ bánh xích… là nhóm hàng xe cơ giới chuyên dùng thuộc diện kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và không thuộc loại cấm nhập (kể cả loại đã qua sử dụng) theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, có một số xe chuyên dụng trong lô hàng vẫn chưa nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành do thiếu tài liệu kỹ thuật (điều kiện bắt buộc). Từ giữa năm ngoái, công ty đã gửi văn bản đề nghị cơ quan đăng kiểm giải quyết được phép đăng ký kiểm tra bằng hình thức kiểm tra thực tế để hoàn thành việc đăng ký kiểm tra cấp giấy chứng nhận thông quan hàng hóa phục vụ sản xuất, xây dựng. Nhưng đến nay, kiến nghị của công ty vẫn chưa được giải quyết, trong khi một số xe chuyên dụng trên vẫn đang lưu giữ tại kho gây phát sinh nhiều chi phí.
Không riêng gì công ty H.M.P, mà nhiều DN nhập khẩu xe cơ giới cũ cũng vướng tình cảnh khó khăn tương tự.
Ông Lê Minh Tuấn, chủ một DN nhập khẩu xe cơ giới ở Long An, cho biết khi gửi văn bản đến cơ quan đăng kiểm để nhờ kiểm tra thực tế xe cơ giới cũ thì phải gửi chi phí kiểm tra 10 triệu đồng cho một cán bộ đăng kiểm.
Vị cán bộ đăng kiểm còn hứa hẹn nếu xe không có tài liệu kỹ thuật thì sẽ làm bộ khai sinh mới cho xe nhưng rốt cuộc hứa suông mà không làm, sau khi nhận tiền thì cố tình né tránh khiến ông Tuấn "tiền mất tật mang".
Cũng theo chia sẻ thông tin của một số công ty nhập khẩu xe cơ giới, có DN nhập về chiếc xe nâng trị giá 70 triệu đồng nhưng vì là xe cũ nên số khung, số sườn không rõ, phải chi cho cán bộ đăng kiểm 10 triệu đồng để tránh bị tịch thu xe. Rồi có DN mới lần đầu nhập xe nâng không biết số khung, số sườn của xe ở đâu, bên bộ phận kiểm tra thực tế bảo phải chi 3 triệu đồng thì mới chỉ cho!
Được biết, theo thủ tục trình tự đăng kiểm các loại xe cơ giới chuyên dụng (không lưu thông trên đường và chỉ sử dụng cho một mục đích cụ thể), thủ tục nhập về khi mở tờ khai thì DN phải làm hồ sơ đăng kiểm.
Trong quá trình làm hồ sơ đăng kiểm, cán bộ tiếp nhận sẽ xem xét hồ sơ. Nếu hồ sơ sai hoặc thiếu thì cần bổ sung, sửa chữa cho đến khi đầy đủ, hợp lệ.
Và "cửa đăng kiểm" đầy quyền lực này đang khiến các DN nhập khẩu xe cơ giới cũ chuyên dụng phải e ngại, thậm chí phải "bôi trơn" để hàng hóa sớm thông quan nhằm tránh thiệt hại.
![]() |
Nhiều DN nhập khẩu xe cơ giới chuyên dụng đang gặp khó ở khâu đăng kiểm |
Có nới được không?
Ông Lê Minh Tuấn cho rằng đối với phương tiện giao thông đương nhiên phải tiến hành đăng kiểm để tham gia giao thông trên đường bộ, đường thủy, nhưng đối với các loại xe cơ giới chuyên dụng như xe nâng dùng trong nhà xưởng, xe cuốc đào kênh rạch dùng trong xây dựng, xe chở đất bánh xích dùng vận chuyển đất trên đường sình lầy… thì không thể tham gia giao thông được.
"Thực tế sau khi kiểm định những loại xe đó, DN nhận được tờ giấy kiểm định để thông quan rồi cũng bỏ. Trước đây, công ty chúng tôi có xuất qua Nhật Bản một chiếc xe nâng 15 tấn nhưng phía Nhật không có kiểm định gì hết. Vì vậy, tôi kiến nghị cần bỏ quy định đăng kiểm những loại xe như vậy", ông Tuấn chia sẻ.
Có thể cũng nên tham khảo cách làm của Bộ NN&PTNT. Để cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, trong Thông tư số 28/2017/TT-BNNPTNT được bộ này ban hành vào cuối năm 2017, kể từ ngày 7/2/2018, mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp không thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.
Giới chuyên gia cho biết trong Nghị định số 74/2018/NĐ-CP đã quy định rõ cách thức hậu kiểm, cách thức quản lý hàng hóa theo mức độ rủi ro, tức là từ mức rủi ro thấp, trung bình đến mức rủi ro cao.
Theo đó, sản phẩm hàng hóa nào có độ rủi ro cao thì sẽ có mức quản lý chặt, ngược lại hàng hóa nào có mức độ rủi ro vừa hoặc thấp (đơn cử như các loại xe cơ giới cũ chuyên dụng nhập khẩu) sẽ có mức quản lý phù hợp hơn cho DN nhằm tạo điều kiện tối đa cho họ nhưng vẫn có cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nếu nhìn vào tình trạng các DN nhập khẩu xe cơ giới cũ đang gặp phải ở khâu đăng kiểm sẽ thấy rằng họ vẫn đang gặp nhiều rủi ro như chi phí lưu kho bãi, bị phạt hành chính do chậm thông quan và lỡ cơ hội kinh doanh.
Trong câu chuyện này, tình trạng phổ biến là nhiều DN phải chịu phát sinh chi phí không chính thức, chi phí "bôi trơn" vừa tốn kém vừa không hiệu quả.
Và vấn đề cơ quan kiểm tra áp dụng văn bản một cách máy móc, gây phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí cơ hội của DN là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần nghĩ đến.
Thế Vinh