Đánh giá về thực trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT, cho biết, theo quy hoạch, có 824 dự án với tổng công suất 24.778 MW, đạt đến 95,3% về công suất so với tiềm năng kinh tế.
Sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện với tổng công suất 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội… (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).
“Hồi sinh” thủy điện nhỏ?
Hiện nay, cả nước còn 316 dự án đã quy hoạch với tổng công suất 3.443 MW chưa thực hiện đầu tư, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ (303 dự án có tổng công suất 2.731 MW).
Nhưng để triển khai các dự án thủy điện nhỏ, ông Quân cho biết đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có dự án thủy điện trên địa bàn và sự quan tâm thực sự của các DN đầu tư phát triển trong lĩnh vực thủy điện.
“Trước đây có tình trạng các nhà đầu tư “chạy” xong dự án là mua đi, bán lại mà không tổ chức triển khai thực hiện như Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Chưa kể, năng lực tài chính, năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ còn nhiều hạn chế”, ông Quân nói.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi Bộ Công Thương có xem xét khởi động lại 468 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định việc khởi động lại 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch chưa được xem xét vì Bộ Công Thương rất nghiêm túc khi đưa ra quyết định này, dựa trên những nghiên cứu đầy đủ.
Ngoài ra, theo ông Vượng, để xây dựng các công trình thủy điện, chúng ta đã phải thu hồi khá nhiều đất đai các loại. Bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41ha đất (trong đó có 0,078ha đất ở 0,256ha đất lúa; 0,808ha đất màu, 2,726ha đất rừng; 1,507ha đất sông suối) và tái định cư 0,16 hộ dân.
“Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có.
Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình cũng bị lâm tặc lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép”, ông Vượng nói.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu vấn đề: tiềm năng thủy điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta có những lợi thế nên cần khai thác và phát triển. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Quốc hội đã quyết định xóa bỏ hàng trăm dự án thủy điện trong thời gian vừa qua? Đây có phải là lỗi của bản thân các dự án thủy điện hay không?
Ông Thiên cho rằng lý do không phải ở bản thân các dự án thủy điện mà do cách làm, cơ chế, chính sách và chủ trương của chúng ta thời gian qua. Một thời chúng ta cho phát triển ồ ạt các dự án thủy điện, không có quy hoạch nên tác động lớn đến môi trường sinh thái và hiệu quả. Vì vậy, vấn đề khôi phục các dự án thủy điện hiện nay không phải quay lại với mô hình cũ mà phải có cách làm, mô hình mới, bền vững, an toàn hơn.
Một thời gian dài các dự án thủy điện phát triển ồ ạt, không có quy hoạch
Loay hoay với NLTT
Trong khi đó, đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo – NLTT (điện gió, mặt trời, sinh khối), đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, mặc dù tổ chức triển khai được một số dự án và có ba nhà máy điện gió đã hoạt động sản xuất điện, hòa lưới điện quốc gia song đối với cả nước, đây là lĩnh vực mới nên còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo đó, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển điện gió chưa đủ mạnh, một số cơ chế chính sách chưa được ưu đãi như mong muốn, trong đó quan trọng nhất là giá bán điện còn thấp.
Đồng thời đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên các nhà đầu tư khó vay vốn các ngân hàng trong nước, lãi suất vay ngân hàng còn cao.
Các nhà đầu tư khó tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi cũng như chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước nên việc đàm phán, thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án gặp khó khăn, kéo dài.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận cho biết, trở ngại lớn nhất là giá mua điện gió theo quy định là 7,8 US cent/kWh (được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).
Tuy nhiên, giá mua điện này vẫn còn thấp so với giá thành đầu tư, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các tổ chức tài chính tín dụng tham gia cho vay vốn để triển khai thực hiện dự án.
Điều này khiến các nhà đầu tư điện gió thực hiện dự án cầm chừng, kéo dài tiến độ dự án để khi tiếp cận được nguồn vốn vay nhà đầu tư mới bắt đầu triển khai thực hiện.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính, dự án phụ thuộc chủ yếu vào việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vì vậy không thể triển khai các công tác chuẩn bị ban đầu như: hồ sơ dự án đầu tư, chi phí phục vụ công tác đền bù giải tỏa… dẫn đến không thể triển khai thực hiện.
Chưa kể, việc chồng lấn giữa các khu vực quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh Bình Thuận với ranh giới điều tra và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện của các dự án điện gió, điện mặt trời.
Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, theo Sở Công Thương Bình Thuận, chi phí sản xuất, chi phí đầu tư cao do hầu hết trang thiết bị điện đều phải nhập khẩu; chi phí vận hành bảo dưỡng cao do thị trường hậu mãi chưa phát triển; lãi suất cho vay trong nước quá cao, các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đang là những trở ngại khiến tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời chưa đạt được.
Về khó khăn phát triển NLTT, EVN cho biết, các quy hoạch NLTT hay điện mặt trời nói riêng (trừ thủy điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện.
Công suất phát của NLTT không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời, với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và những giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Lê Thúy
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét có những chính sách định hướng để các nhà đầu tư điện NLTT (gió, mặt trời) được tiếp cận và vay vốn từ những nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế với lãi suất thấp, vay từ các nguồn vốn ODA, đồng thời Nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc hỗ trợ trực tiếp vào giá điện để thúc đẩy phát triển đầu tư các dự án. Việt Nam đang từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển. Vì vậy, những khó khăn, thách thức tồn tại hạn chế trong việc phát triển NLTT cần phải được nhận biết cụ thể, tăng cường quan tâm thực hiện, kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp. Đảm bảo an ninh năng lượng là câu chuyện sinh tử cho phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Quốc hội đã quyết định dừng 468 thủy điện vừa và nhỏ, trong khi nhu cầu năng lượng đang tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu năng lượng. |