Ts. Phan Thế Công, trường Đại học Thương mại đã thốt lên: “Từ một nền kinh tế thiếu doanh nghiệp (DN), chuyển sang một nền kinh tế DN được coi là tăng trưởng tốt mà số lượng DN “chết” nhiều như vậy là rất bất thường”.
Bị “đè” bởi chi phí
Thống kê cho thấy tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong nền kinh tế giai đoạn 2007-2010 đã giảm so với giai đoạn 2000 – 2006 xuống còn khoảng dưới 30%, tuy nhiên đã tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011-2016 với mức trung bình khoảng 40,1%.
Chính kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2016 là một trong những nguyên nhân khiến số lượng DN phải ngừng hoạt động và giải thể trong năm 2017 cao với con số là 60.533 DN.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, con số DN phá sản đã được nhìn thấy trước từ cơ quan thuế. Nếu quan sát việc thu thuế hàng năm do ngành thuế công bố sẽ thấy có rất nhiều DN không nộp được thuế. Điều này có nghĩa DN kinh doanh không có lãi nên không thể nộp được thuế.
Bên cạnh con số DN đăng ký thành lập tăng thì số DN rút ra khỏi thị trường vẫn cao. Năm nào Tổng cục Thống kê đưa ra vẫn thấy con số đó là lớn, tuy hàng năm có công bố số mới gia nhập thị trường hay trở lại kinh doanh có tỷ lệ tăng, nhưng khoảng cách đó vẫn không nhiều.
Chưa kể, “con số thống kê chính thức chỉ là một phần, nhưng hình thức DN tư nhân trong nước rời khỏi thị trường là tự “bán mình” cho các công ty nước ngoài. Đôi khi tên vẫn giữ nhưng thực chất không còn kiểm soát DN đó nữa”, bà Lan nhấn mạnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thua lỗ, song một nguyên nhân mà nhiều DN phàn nàn nhất hiện nay là không chịu nổi gánh nặng thuế, phí.
Đơn cử, báo cáo vừa được trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố cho thấy trong chi phí vận tải đường bộ Việt Nam năm 2017, chi phí cầu đường (BOT) là một vấn đề nổi cộm. Đối với tuyến đường ngắn, phí BOT thậm chí còn cao hơn chi phí xăng dầu.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hoá Tp.HCM, ngoài các loại phí cố định, chi phí cầu đường cao hơn cả chi phí nhiên liệu cho quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc. Cụ thể, chở hàng từ các cảng ở quận 7 (Tp.HCM) đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu cho chuyến hàng chỉ khoảng 750.000 đồng cho 60 lít dầu, nhưng phí cầu đường cho cả lượt đi và lượt về là 800.000 đồng.
Quãng đường từ các cảng ở quận 7 xuống Biên Hoà – Đồng Nai, tiền phí qua các trạm BOT lên tới 560.000 đồng (cả đi và về), trong khi chi phí nhiên liệu chỉ hết 437.000 đồng cho 35 lít dầu.
Cùng với đó là chi phí thuế. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng chính sách thuế hoàn toàn ưu đãi với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ thuế nhập khẩu đến thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhưng với các DN nội bán hàng cho nhau thì phải chịu tất cả các hình thức thuế, từ thuế VAT đến thuế thu nhập DN…
DN nào được gọi là ưu đãi thì lại bị “chơi” bằng cách không chịu thuế, tức là không được khấu trừ đầu vào, nhưng với DN FDI có thuế suất bằng 0%, dù không chịu thuế nhưng lại được khấu trừ.
“Chính sách thuế này đã nói suốt từ 15 năm nhưng đến nay vẫn không thấy có sự thay đổi. Chúng ta hay nói về cắt giảm thủ tục hành chính nhằm gỡ khó cho DN, nhưng không quan trọng bằng hai rào cản chính là thuế và bảo hiểm”, ông Trinh cho biết.
Phải mở rộng đối tượng nộp thuế, đó là nền tảng để gia tăng nguồn thu, không nên dựa vào tăng thuế suất
Không nên dựa vào tăng thuế
Cũng theo báo cáo của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một rào cản khác đối với DN là những chi phí ngoài lương từ bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, chủ DN không chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động dựa trên mức tiền lương cơ bản mà còn gồm các khoản trợ cấp, bổ sung khác.
Xét trong điều kiện tĩnh (khi chi phí cho người lao động không tăng lên và sản lượng sản xuất của DN không thay đổi), chi phí lao động của DN sẽ tăng lên 6,8% và mức tăng chi phí này sẽ làm lợi nhuận của DN giảm 11,4%.
Tỷ lệ DN có lợi nhuận giảm rất nhanh và sâu, từ 63,2% DN xuống còn 40,6% DN. DN có mức lợi nhuận thấp như DN tư nhân hay các công ty TNHH, đặc biệt là DN hoạt động trên lĩnh vực dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chuyên gia Bùi Trinh nêu quan điểm: Rào cản lớn và nguy hiểm nhất đối với DN hiện nay là Luật bảo hiểm mới, Luật này thực sự làm cho DN không thể có lãi. Trước đây đánh trên lương, giờ đánh trên thu nhập thì các DN nhỏ và vừa quá “gay go”.
“Từ những rào cản này dẫn đến hệ số co giãn của lao động chiếm đến 80%, hệ số co giãn của vốn chỉ còn 20%. Bây giờ, DN lại phải chịu thêm áp lực từ Luật bảo hiểm, tức là hệ số co giãn của vốn lại càng nhỏ hơn nữa. Như vậy, DN làm sao có lãi”, ông Trinh nêu vấn đề.
Ông Trinh cảnh báo con số DN không có lãi còn tăng nếu chính sách thuế và bảo hiểm không có sự điều chỉnh. Bộ Tài chính thuộc Chính phủ và muốn có một Chính phủ kiến tạo thì Bộ Tài chính phải thể hiện bằng cách thay đổi chính sách thuế.
Ông Trinh đưa ra ví dụ: đầu vào cho sản xuất nông nghiệp thường vẫn nói được ưu đãi là không chịu thuế, nhưng đây là cách dùng “từ ngữ” với nhau, vì không chịu thuế sẽ không được khấu trừ thuế. Nhiều DN đang phải xin được chịu thuế suất để được khấu trừ, vì không được khấu trừ thì giá thành đầu vào sản phẩm nông nghiệp sẽ cao, DN không có lãi và người dân phải chịu giá cao hơn.
“Vì sao các DN và người dân phải chịu tất cả các sắc thuế, trong khi lại ưu đãi cho các DN FDI lớn như vậy để làm gì.”, ông Trinh nói.
Theo Gs.Ts. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi Việt Nam tham gia vào sân chơi rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nguồn thu ngân sách sẽ giảm và đây là bài toán đặt ra cho ngân sách quốc gia.
Vì vậy, các cơ quan hữu trách trong thời gian gần đây luôn “đau đầu” để tìm ra cách nào đó nhằm tăng thuế suất và đã có một số thuế suất tăng kịch trần. Điều này thể hiện bài toán ngân sách đang rất khó khăn.
Tuy nhiên, khuyến nghị về chính sách tài khóa, ông Đạt cho rằng Chính phủ đã có quan điểm rất rõ ràng, để giảm thâm hụt ngân sách và tiến tới cân bằng, không nên dựa vào tăng thuế, chỉ dựa vào cơ sở thu thuế nhằm tránh thất thu.
“Phải mở rộng đối tượng nộp thuế, đó là nền tảng để gia tăng nguồn thu. Không nên dựa vào việc làm rất đơn giản từ trước đến nay là để bù vào các khoản thu bị thiếu hụt thì tăng thuế suất”, ông Thọ nói.
Lê Thúy
PGs.Ts. Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Để phát triển kinh tế tư nhân, cần tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí kinh doanh (đất đai, nhà xưởng, điện nước, thông tin liên lạc, logistic..); chi phí trung gian, chi phí không chính thức cho DN. Trước mắt cần tập trung cắt giảm chi phí hải quan và logistics; chi phí thực hiện thủ tục nộp thuế và hoàn thuế; chi phí thực hiện thủ tục BHXH… đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phù hợp với thực tiễn. Ts. Phan Thế Công - Trường Đại học Thương mại Từ một nền kinh tế thiếu DN, chuyển sang một nền kinh tế DN được coi là tăng trưởng tốt mà số lượng DN “chết” nhiều như vậy là rất bất thường. Nếu DN cứ sinh ra rồi chết đi, sẽ có rất ít những DN trưởng thành, kéo theo nền kinh tế khó trưởng thành. Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam
Khi DN phải bỏ thêm chi phí nộp thuế cho Nhà nước thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, đến lợi nhuận của từng DN cụ thể, cũng như tác động tới DN khác trong chuỗi sản xuất, cung ứng trong nền kinh tế. Cuối cùng sẽ làm giảm thu nhập và giảm thuế thu nhập DN nộp cho Nhà nước. Vì vậy, cần đánh giá tác động lâu dài của việc tăng thuế. |