Trong buổi đối thoại với Trưởng đoàn đàm phán EU và Việt Nam mới đây tại Tp.HCM về FTA Việt Nam – EU (EVFTA), ông Oliver Massmann, Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) có nhận định rằng Việt Nam chỉ có thể có lợi từ các quy tắc điều kiện xuất xứ (Rules of Origin) khi đã nâng cấp giá trị chuỗi cung ứng.
Năng lực còn hạn chế
Ông Oliver nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng, tăng cường đối thoại giữa các khu vực tư nhân, và tận dụng sự đa dạng hóa thương mại có được từ EVFTA cần phải trở thành ưu tiên hàng đầu cho giới DN Việt.
Chẳng hạn với lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, ông Bradley Silcox, Chủ tịch Eurocham Pharma Group, cho rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm mới cho ngành này trong khu vực.
Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo lập một sân chơi bình đẳng cho các DN FDI trong quy trình mua sắm công, và hướng đến giải pháp có lợi cho tất cả các bên. Đồng thời, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Lê Đăng Doanh, EVFTA có cơ hội không kém gì TPP nên các DN Việt Nam cần quan tâm đến cả hai thị trường này.
Và điều ông Doanh muốn khuyến cáo trong buổi nhóm họp với giới DN tại Tp.HCM vào cuối tuần qua là cơ hội từ EVFTA, TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hay các FTA khác thì rất nhiều nhưng ở một số khía cạnh, Việt Nam đang bị tụt hậu, nhất là khi khối tư nhân trong nước còn chậm tiến về công nghệ và năng lực quản lý, thiếu động cơ và năng lực tiếp thu. Ông Doanh dẫn số liệu thống kê cho thấy hiện nay 96% DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, 2% là trung bình, 2% là lớn, với năng lực còn hạn chế.
Trong số đó, chỉ có 36% DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, riêng tại Tp.HCM chỉ có khoảng 300 DN có năng lực tham gia. Ông Doanh nhận định: Điều đó đòi hỏi các DN Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh, không chỉ đầu tư vào “quan hệ”, ăn chênh lệch giá mà phải có chiến lược lâu dài, phải đăng ký thương hiệu.
Theo vị chuyên gia kinh tế lão luyện này, gần đây, những động thái tích cực, thiết thực của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN đang được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện vấn đề trên.
Việc khôi phục lại truyền thống đối thoại giữa chính quyền với DN, từ 1/7/2016 sẽ bãi bỏ các giấy phép con, chỉ đạo chính quyền các địa phương thiết lập đường dây nóng để giải quyết vướng mắc của DN…
![]() |
Các DN Việt chỉ có thể có lợi từ các FTA khi đã nâng cấp giá trị chuỗi cung ứng
Hỗ trợ khối tư nhân
Chia sẻ với giới DN tại Tp.HCM, Gs.Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đồng ý với nhận định của Ts Lê Đăng Doanh. Ông Thiên cho rằng tín hiệu đáng mừng nhất là Nhà nước đã coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng.
Những tuyên bố của Chính phủ hướng đến DN tư nhân, tháo gỡ khó khăn cho họ với những tuyên ngôn rất rõ ràng, thể hiện nhận thức đối xử với DN tư nhân đã khác trước.
Nhưng ông Thiên cũng đặt vấn đề, tại sao chúng ta không tạo ra những cơ chế chính sách cho DN trong nước được hưởng cơ hội nhiều hơn. Về phía DN cũng thế, phải tạo áp lực buộc Chính phủ thay đổi chứ không tư duy theo kiểu “xin-cho”.
Có ba lĩnh vực, theo giới chuyên gia là rất quan trọng để Chính phủ thúc đẩy các cơ hội thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Đó là cải thiện kết nối và tạo thuận lợi thương mại; củng cố và phát triển các ngành dịch vụ; giải quyết những khó khăn về môi trường kinh doanh của khu vực tư nhân trong nước.
Ts Lê Đăng Doanh khẳng định: Điều cốt lõi trước hết là tạo điều kiện cho khối tư nhân trong nước có khả năng cạnh tranh. Chính phủ muốn ưu tiên trước hết đến nâng cao năng suất của khu vực kinh tế tư nhân trong nước thì phải tự do hoá thị trường nhân tố (cụ thể là thị đất đai và vốn).
Vấn đề thứ hai là tăng cường thể chế thị trường thông qua quyền sở hữu, chính sách cạnh tranh và thực thi, quản lý ngân sách và ngân hàng trung ương. Vấn đề thứ ba là tái cấu trúc DNNN để tạo ra sân chơi bình đẳng với kinh tế tư nhân.
Ông Doanh đặc biệt lưu ý rằng cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Cụ thể là tạo môi trường kinh doanh thân thiện, nỗ lực giải quyết các khó khăn cho họ, nhất là hoàn thiện những quy định để hỗ trợ các hiệp hội chuyên nghiệp của các SME.
Ông nhấn mạnh: DN cần liên kết thành chuỗi: DN – nông dân – xuất – nhập khẩu trong nước và ngoài nước – ngân hàng – viện nghiên cứu. Các DN phải biết người – biết mình, nghiên cứu thị trường, đối tác cạnh tranh và hợp tác, “hai bên cùng thắng”.
“DN phải liên kết với nhau để có quy mô đủ mạnh mới hội nhập được, phải hợp tác để cùng nhau đi ra biển lớn. Việc cần làm nhất để xuất khẩu trực tiếp với giá trị cao là đăng ký nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư về nguồn nhân lực” – Ts Doanh chia sẻ.
Thế Vinh