Mới đây, trên trang Undercurrentnews (UCN - một trang thông tin về thuỷ sản nổi tiếng của Mỹ) có dẫn lời của ông Jagdish Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết, bất chấp những diễn biến, Ấn Độ vẫn sẽ là nhà xuất khẩu (XK) tôm hàng đầu đến thị trường Mỹ.
Cạnh tranh giá rẻ khó tránh lỗ vốn
Cũng theo ông Fofandi, Ecuador sẽ vẫn tăng sản lượng và các sản phẩm bán tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sản phẩm của Ấn Độ được chấp nhận tốt hơn trên thị trường này và đối với sản phẩm giá trị gia tăng, Ecuador vẫn chưa bằng được Ấn Độ.
Các DN xuất khẩu tôm nếu lấy thị trường Mỹ làm chủ lực thì khó khăn với họ sẽ rất lớn trong năm nay. |
Còn theo nhận định từ chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), mặc dù thị phần sụt giảm, tôm Ấn Độ hiện vẫn dẫn đầu trên thị trường Mỹ. Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa nhiều sản phẩm giá trị gia tăng mà Ecuador không thể sản xuất được hoặc khó sản xuất.
Không chỉ vậy, bức tranh logistics năm 2023 đang sáng sủa hơn hai năm trước cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Ấn Độ với các đối thủ Mỹ Latinh.
Trước sự cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador, giới chuyên gia cho rằng đối với những doanh nghiệp (DN) XK tôm của Việt Nam lấy thị trường Mỹ làm chủ lực thì khó khăn với họ sẽ rất lớn trong năm nay. Và nếu các DN Việt không linh hoạt chuyển thị trường sớm được thì buộc lòng phải bán giá rẻ khi xuất vào Mỹ, chấp nhận lỗ vốn.
Như chia sẻ của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), giá tôm Ấn Độ loại 40 con chỉ khoảng 107 nghìn đồng, cùng lúc ở miền Tây là gần 170 nghìn đồng. Các DN tôm nào cần, phải mua cao bán thấp để kèm bán chung hàng tồn kho, dĩ nhiên giá bán sẽ lỗ khoảng 2 USD/kg cho cỡ tôm nêu trên.
Còn qua quý 2/2023, khi tôm miền Tây vào vụ, nếu trúng thì trật tự giá sẽ được thiết lập, giá tôm 40 con sẽ giảm 1/3, chắc chắn người nuôi sẽ không hài lòng. Truyền thông sẽ ồn ào chuyện “trúng mùa rớt giá”. Cho nên, ông Lực đã cảm thán: “Đâu ai ép giá ai, cung cầu thế giới điều chỉnh giá như có bàn tay vô hình, ngoài sự chủ quan của người trong cuộc”.
Cần lưu ý, những dự báo cho thấy khi sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục từ 6 – 7 triệu tấn thì giá nhập khẩu tôm trên thế giới sẽ còn giảm tiếp trong năm nay sau khi trải qua giai đoạn giảm dần từ nửa cuối năm 2022.
Tự cứu trước khi được giải cứu
Hiện nay, các DN ngành tôm đang đứng trước bài toán nan giải khi phải chịu nhiều áp lực từ việc tăng hàng tồn kho cho đến nợ ngân hàng và nhất là sức tiêu thụ thấp, giá XK tôm đang ở đáy. Bài toán nào, sách lược nào để vượt qua khó khăn này là cả dấu hỏi lớn.
Riêng trong vấn đề nợ ngân hàng, các DN ngành tôm hiện phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cần có những kiến nghị đến Chính phủ để làm sao có dư nợ cho ngành tôm ở mức tốt hơn, lãi suất hợp lý, giá vốn hài hòa để đảm bảo chuỗi xuyên suốt.
Ở góc độ địa phương, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên xây dựng, có nhiều mô hình nuôi tôm, cộng với từng mô hình có hạch toán kinh tế giá thành để làm cơ sở định mức vốn vay. Từ đó phía ngân hàng có cơ sở nhằm tái cho vay với ngành tôm.
Còn về vấn đề tiêu thụ và giá cả, theo các DN, cần xét đến tương quan của yếu tố cung - cầu tôm thế giới và giá thành tôm nuôi trong nước. Hiện tại, hầu hết các thị trường đều tồn kho một lượng tôm nhất định do sức tiêu thụ giảm mạnh.
Trong khi đó, theo quy luật, quý I hàng năm, các nước Nam bán cầu (Indonesia, Ecuador…) bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm, nên một khi nguồn cung mới này dồi dào cộng hưởng với hàng tồn kho nhiều, nhu cầu tiêu thụ không cao thì rủi ro về giá sẽ còn rất lớn.
Hơn nữa, lạm phát trên toàn cầu chưa biết điểm dừng, khiến sức mua có hạn và để kích cầu tiêu thụ thì giá bắt buộc sẽ phải giảm thêm. Và các DN cũng dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng thời gian nào đó trong quý 3 năm 2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó.
Trước nhiều thách thức của ngành tôm, Ts. Hồ Quốc Lực đã đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất là tôm nuôi vụ chính 2023 không thành công, các DN tôm phải tranh mua giá cao, đội giá thế giới, sống cầm cự. Tùy sức khỏe DN tôm, ai yếu thì đành phải chia tay.
Thứ hai là tôm nuôi vụ chính 2023 thắng lợi, giá tôm sẽ trở lại mặt bằng giá thế giới, nghĩa là giá tôm thương phẩm giảm mạnh, mới có thể tăng mức tiêu thụ.
“Tình huống nào xảy ra cũng có hậu quả không hay cho DN”, ông Lực băn khoăn. Còn trước mắt, các DN ngành tôm cần tập trung cho giải pháp vượt dốc theo hoàn cảnh cụ thể của mình. Họ cần tự cứu trước khi được giải cứu.
Nhìn chung, những âu lo của DN về giá XK tôm đang ở đáy là điều mà các bộ ngành có liên quan cần lưu tâm để chủ động sớm có các giải pháp hữu hiệu, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người nuôi tôm và các DN trong giai đoạn nhiều thách thức này.
Thế Vinh