Một thực tế đáng lo ngại là theo các con số thống kê, từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ nợ thuế ngày càng tăng. Tỉnh thành có tiền nợ thuế lớn ngày càng mở rộng như: Hà Nội với hơn 23.000 tỷ đồng, tiếp đến là Bình Dương hơn 2.000 tỷ đồng, Đồng Nai 1.900 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 1.700 tỷ đồng…
Nợ thuế ngày càng tăng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4/2016, tổng số tiền nợ thuế cả nước vẫn tiếp tục tăng lên mức 76.000 tỷ đồng, cao hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, đạt 27,3% chỉ tiêu thu nợ năm 2016.
Kết quả này chưa đạt mục tiêu đặt ra, bởi số tiền thuế nợ thu vào NSNN là 932,1 tỷ đồng, chỉ đạt 9% so với tiền thuế nợ phải thu; trong đó tiền nợ thuế thuộc ngân sách Trung ương đã thu được là 428,4 tỷ đồng, chiếm 46% so với tổng số tiền thuế nợ thu được. Số thuế còn phải đôn đốc thu vào ngân sách vẫn còn lớn, với gần 10 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2015, Cục Thuế Tp. Hà Nội đã triển khai 7 đợt công khai tổng số 587 đơn vị nợ thuế lớn với số tiền thuế nợ là hơn 5.459 tỷ đồng và 40 dự án nợ tiền sử dụng đất lớn với số tiền nợ là 2.340 tỷ đồng.
Kết quả năm 2015 đã thu nợ được 9.758 tỷ đồng. Tp. Hồ Chí Minh thu hồi được 23.428 tỉ đồng tiền nợ thuế, trong đó thu nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang là 12.996 tỉ đồng, thu nợ phát sinh trong năm 2015 là 10.432 tỉ đồng.
Trước tình trạng nợ thuế ngày càng gia tăng, cơ quan thuế đã áp dụng quyết liệt các biện pháp mạnh như: cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng…Thậm chí, từ năm 2015, Bộ Tài chính đã áp dụng biện pháp “bêu tên” những doanh nghiệp nợ thuế lớn.
Công khai danh tính của những đơn vị chây ì thuế được đánh giá có hiệu quả. Điển hình, chỉ tính riêng quý I/2016, Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai ba đợt, với 405 đơn vị nợ 1.069.076 triệu đồng tiền thuế, phí và đã có 235/405 đơn vị sau đó đã nộp 65.611 triệu đồng tiền nợ thuế vào ngân sách.
Tuy nhiên, theo đánh giá, số tiền nợ thuế vẫn không giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Vậy, tại sao tình trạng nợ đọng thuế lại ngày càng trầm trọng như vậy?
Theo phân tích của các chuyên gia về thuế, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh thua lỗ, nên không có nguồn thanh toán nghĩa vụ thuế đúng hạn, khiến các khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày phải tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày dẫn tới tiền nợ thuế tăng lên. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ.
![]() |
Nợ thuế tính đến 30/4 lên đến 76.000 tỷ đồng
Luật quản lý thuế còn bất cập
Dù đã tìm ra nguyên nhân nhưng ngành thuế thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập. Một lãnh đạo Tổng cục thuế cho biết: Khó khăn lớn nhất mà cơ quan thuế gặp phải là một số doanh nghiệp có nợ thuế hoặc bị truy thu số tiền lớn dùng “chiêu” bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty mới.
Trong khi đó, Luật Quản lý thuế không quy định đối với các chủ thể nợ tiền thuế thì không được phép thành lập công ty mới hay trở thành thành viên góp vốn trong công ty mới thành lập.
Bên cạnh đó, biện pháp cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản ngân hàng cũng không khả quan, bởi hiện nay, chưa có sự liên kết giữa ngành thuế và ngân hàng, việc cưỡng chế cũng gặp nhiều khó khăn do người nợ thuế không kê khai các tài khoản với cơ quan thuế. Hoặc chỉ cung cấp những tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế.
Nhằm xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nộp thuế – Tổng cục Thuế cho biết: Tổng cục thuế đã thành lập Tổ rà soát dữ liệu nợ thuế, xử lý nợ thuế đối với doanh nghiệp nợ trên địa bàn, đối chiếu điều chỉnh các khoản nợ sai, nợ ảo để có biện pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ; kịp thời xử lý từng khoản nợ, khắc phục các vướng mắc hiện nay, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nợ và thực hiện cưỡng chế nợ thuế.
Theo các chuyên gia ngành thuế, từ 1/7, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN trong vấn đề nợ thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng: Quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế cho phép doanh nghiệp nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Thanh Hoa
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế Để đảm bảo không gây thất thu thuế cho NSNN, cần phải thực hiện nghiêm theo từng cấp độ như cho phép gia hạn, tính lãi nếu quá hạn và phối hợp với cơ quan tư pháp để phong tỏa tài khoản và tài sản của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Mạnh - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế. Hàng tháng, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải công khai danh sách các đơn vị nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang web của Cục Thuế Hà Nội. Ông Bùi Văn Nam - Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Trong năm nay, ngành thuế đã chỉ đạo sửa đổi Thông tư số 215/2013/TT-BTC để khắc phục vướng mắc về cưỡng chế nợ thuế phù hợp với thực tế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cưỡng chế nợ thuế. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra xử lý kiên quyết, nghiêm minh các đối tượng có dấu hiệu cố tình chiếm đoạt, chây ỳ nợ thuế, không gặp khó khăn, có nguồn tiền nhưng không nộp thuế đúng quy định. |