Dẫn tới, doanh nghiệp xăng dầu lo ngại vấn đề cứ bàn mãi chưa có phương án giải quyết, tình trạng khó khăn của họ sẽ kéo dài, hết sức chịu đựng, đặc biệt là cửa hàng bán lẻ. Ông Nguyễn Đăng Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa, cho rằng Liên Bộ Công Thương – Tài chính cần xem xét lại công thức tính giá cơ sở. Theo đó, cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.
Quy định cứng, doanh nghiệp than bị siết
Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.
![]() |
Nhiều đề xuất về cách tính giá cơ sở xăng dầu. |
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đề nghị, rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu. Cụ thể, Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%.
Còn nhớ, năm 2007 đưa ra Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ. Đến năm 2009, ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn.
"Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, coi như giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự", ông Bảo nói.
Do vậy, ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh và tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.
Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Nguyên nhân một phần được Bộ Công Thương chỉ ra là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh và một số doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.
Đề xuất cách tính giá mới
Liên quan tới vấn đề trên, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc bày tỏ nhiều ý kiến cho rằng "tính giá bán lẻ xăng dầu sát với giá thị trường thế giới” là chưa chuẩn. Ông Tây phân tích, hiện nay, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mua xăng dầu về nhập kho thì giá vốn phải tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới là từ 20 ngày trước đó (theo quy định bắt buộc tại Nghị định 95 về an toàn năng lượng quốc gia), thậm chí là lâu hơn.
Trong khi đó, thời gian nhập lô hàng là rất lâu, phải đàm phán ký hợp đồng mua hàng trước cả tháng, làm các thủ tục theo giá CIF (đàm phán về giá hàng hoá, chi phí về thủ tục hải quan, chi phí thuê tàu, bảo hiểm hàng hóa của nước bạn). Sau đó liên hệ với ngân hàng mở L/C chuyển tiền... Xuất cảng từ nước bạn về Việt Nam cũng có thời gian rất lâu.
Về đến cảng Việt Nam cũng phải làm thủ tục Hải quan nhập cảng, rồi về kho, chờ lắng, nhập kho, phân phối, thậm chí là phải chế biến lại như A92 nhập xăng gốc về pha thành xăng E5RON92... Muốn có hàng bán liên tục trong nước thì phải đàm phán ký trước theo kế hoạch rõ ràng cả tháng trước.
“Không cách nào khác là giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tính theo giá bình quân trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp chứ không thể khác được và càng không thể sát với giá thị trường thế giới được vì chu kỳ kinh doanh là khá dài. Nếu tính giá cơ sở theo giá bình quân của DN thì cũng có lợi cho người dân. Bởi vì, hiện nay giá thế giới biến động liên lục và khó lường với biên độ lớn, nên nếu tính theo giá bình quân thì thị trường xăng dầu trong nước sẽ ít bị tác động bởi giá thế giới”, ông Tây chia sẻ.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra bất cập lớn nhất trên thị trường xăng dầu hiện nay đó là các cơ quan quản lý giá đang kéo dài thời gian tính bổ sung chi phí giá cơ sở của ngành kinh doanh xăng dầu khiến cho cơ cấu giá không có lợi cho những người bán, đặc biệt là người bán lẻ. Dẫn tới, để duy trì hoạt động, các đầu mối bán buôn nhập khẩu ở mức độ thấp để không bán với mức quá cao để bị lỗ.
“Các đại lý thiếu xăng bởi một phần họ ở những cấp độ thấp hơn. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bán buôn cũng như đầu mối nhập khẩu cũng không muốn sử dụng chiết khấu có lợi để khuyến khích tiêu thụ mà muốn sử dụng công cụ này để giảm thiểu lượng bán ra. Do đó, đã tạo ra tình trạng khan hiếm”, ông Phong chia sẻ.
Vì vậy, ông Phong cho rằng các địa phương cần tạo điều kiện cho vận chuyển, tăng linh hoạt trong điều hành giá, bám sát và tính đúng, tính đủ vào chi phí giá cơ sở, rà soát lại các cơ chế để trở nên linh hoạt hơn, cũng như tăng kiểm soát thị trường.
Nhật Linh