Nhìn lại một năm 2023 vừa qua, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của May 10 là sơ mi sụt giảm mạnh, doanh nghiệp (DN) đã có lúc phải nhận lại các đơn hàng gia công. Hàng nào cũng nhận, miễn là có thể duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn.
Năm của hy vọng
CEO May 10 nhận định, 2023 là một năm đặc biệt theo hướng tiêu cực, DN phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng năm 2023. Trong những tháng cuối năm, tình hình khả quan hơn, DN có đơn hàng và ở trạng thái “đủ ăn, đủ mặc”.
2024 được các doanh nghiệp đánh giá là năm hy vọng, năm phục hồi và bứt tốc. |
Cũng trong ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, chia sẻ DN đã đủ đơn hàng cho quý I/2024, dù vẫn ít hơn so với những năm trước. Tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ DN phục hồi.
“Ngành dệt may có thể sẽ vẫn còn khó khăn trong quý I, đơn hàng chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên tình hình có thể cải thiện hơn từ quý II. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho DN dệt may”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, thông tin một số ngành xuất khẩu đã có tín hiệu tốt trong năm 2024 khi tồn kho ở nước ngoài giảm mạnh. Hiện, các DN đang lên kế hoạch khá thận trọng, nhưng tín hiệu đã tốt hơn vì những tháng cuối năm 2023, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc.
Song những mối lo trong năm 2024 cũng được ông Việt Anh chỉ ra là người tiêu dùng ở một số thị trường lớn vẫn thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, một số nhà nhập khẩu đã chuyển qua thị trường khác tốt hơn Việt Nam.
Ứng phó với bất biến từ bên ngoài
Theo đó, ông Việt Anh cho rằng, các DN cần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước bằng các chương trình cụ thể. Cùng với đó, DN trông chờ vào mùa Tết Nguyên đán 2024 để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt hàng tồn.
Theo đánh giá từ Bộ KH&ĐT, tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam ước đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (Malaysia dự báo tăng 4%, Philippines tăng 4%, Thái Lan tăng 2,7%, Indonesia tăng 3,5-4,0%, Trung Quốc tăng 5%...); tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… được cải thiện tích cực qua từng quý, từng tháng. Năm 2024, dự báo nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đan xen với thuận lợi, thời cơ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, về thuận lợi, thời cơ, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm Đổi mới. Các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... tiếp tục được nâng lên, nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh.
Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là, đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; nâng tầm quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Nâng quan hệ với Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế và các ngành công nghiệp mới như chip, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Cũng theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tập trung vào 03 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, về tài khóa, thực hiện tốt các chính sách đã được Quốc hội thông qua, cấp có thẩm quyền ban hành; theo dõi diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí lệ phí.
Vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, theo đó cần đôn đốc, thúc đẩy tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm.
Về tiền tệ, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, năm 2024 dự báo “làn gió ngược” giảm đi, điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng khu vực, cũng như các nước lại thấp hơn, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, như vậy cần nỗ lực lớn hơn.
“Việt Nam cũng có cơ hội mới, nhưng trong bối cảnh chỉ trông chờ vào xuất khẩu thì khó vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung. Vì vậy, phải khai thác nội lực, biến thành động lực, hành động chớp cơ hội về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xu hướng cơ cấu nền kinh tế", ông Cường nói.
Ông Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Làm thế nào để khai thác được nội lực, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô vẫn là việc làm cần ưu tiên trong năm 2024. Theo đó, vốn tín dụng cần tập trung cho lĩnh vực ưu tiên đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế nhấn mạnh năng lượng xanh, bền vững; an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Ông Đỗ Ngọc Hưng Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Dự báo nền kinh tế tăng trưởng khó khăn trong năm 2024 và tăng cường áp dụng các biện pháp thắt chặt mang tính bảo hộ sẽ tiếp tục khó khăn cho việc xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Theo đó, cơ quan quản lý, các DN, ngành hàng cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình biến động chính trị, chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc, có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. TS. Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Năm 2023 đánh dấu sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của cộng đồng DN, thể hiện qua kết quả kinh doanh chuyển biến. Song thách thức trong năm 2024 chắc chắn còn lớn, nhất là những yếu tố bất định bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt và kịp thời hơn, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và DN. |
Nhật Linh