Năm 2025: FDI 'cất cánh', Việt Nam sẵn sàng vươn mình
TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN-Bộ KH&ĐT, tin rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn đủ năng lực biến thách thức thành cơ hội, đón làn sóng FDI mới và bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-3990-1737604406_1200x0.jpg)
Khi sắc xuân đang len lỏi trên từng con phố, mang theo hơi ấm và hy vọng cho một năm mới, chúng tôi tìm gặp TS Phan Hữu Thắng – người gắn cả đời với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đất nước. Dù đã về hưu, ông vẫn ngày ngày cần mẫn tại văn phòng riêng trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), không ngừng tư vấn, nghiên cứu, viết sách, chia sẻ kinh nghiệm. Với ông, mỗi giai đoạn mới của nền kinh tế tựa như đường băng mới cho máy bay cất cánh, và việc thu hút FDI chính là một hành trình không ngừng vươn lên, đổi mới để chinh phục tầm cao mới.
Nhân dịp Tết Ất Tỵ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đầy biến động, TS Phan Hữu Thắng đã dành cho VnBusiness buổi trò chuyện thân tình, bộc bạch tâm huyết, khát khao của ông đối với FDI – một nguồn lực quan trọng cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Nhìn lại mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD FDI trong năm 2024, ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút FDI của Việt Nam, đặc biệt là các con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức?
Trước hết cần nhìn nhận rõ bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 để thấy được giá trị tích cực của những con số FDI “biết nói” mà Việt Nam đã thu hút, là “liều thuốc tinh thần” đón Tết trong không khí lạc quan.
Bước vào năm 2024, dù thế giới phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ và những căng thẳng địa chính trị, nhưng xu thế hòa bình, hợp tác và liên kết vì phát triển vẫn duy trì, tạo không gian cho những quốc gia có chiến lược kinh tế linh hoạt, thích ứng nhanh như Việt Nam bứt phá.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-2955-1737604406_1200x0.jpg)
Dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại và đầu tư quốc tế điều chỉnh, nợ công tăng và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng, nhưng Việt Nam vẫn cho thấy khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội. Số liệu từ nhiều tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn ổn định hơn, dù còn tiềm ẩn rủi ro.
Trong bối cảnh đầy thách thức này, kết quả thu hút FDI của Việt Nam năm 2024 hết sức đáng ghi nhận. Dù tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 3% đạt gần 38,23 tỷ USD, Việt Nam vẫn đạt kỷ lục giải ngân 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Với 42.002 dự án còn hiệu lực, vốn thực hiện lũy kế đạt 322,5 tỷ USD, khẳng định niềm tin vững chắc của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Chất lượng các dự án đầu tư cải thiện đáng kể, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký, trong đó có nhiều dự án lớn về bán dẫn, năng lượng, điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng vào nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức bật cho sản xuất trong nước. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn, ghi nhận làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, điện, điện tử, bán dẫn,... Dòng vốn FDI này không chỉ tạo thêm việc làm, tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những kết quả trên là tín hiệu tích cực trước thềm năm mới, chứng tỏ Việt Nam đủ khả năng thích ứng, linh hoạt trong điều kiện biến động, tận dụng cơ hội và chuyển hóa thách thức thành động lực phát triển.
Ông có thể chia sẻ thêm về các lĩnh vực đầu tư đang có sức hút mạnh nhất với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và lý do vì sao các lĩnh vực này thu hút nhiều FDI như vậy?
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-9820-1737606054_1200x0.jpg)
Trên cơ sở kết quả thu hút FDI cho thấy năm 2025 Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong các lĩnh vực sản xuất và chế biến (linh kiện điện tử, ô tô điện, sản xuất chất bán dẫn...), công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như năng lượng tái tạo.
Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng đến chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động trẻ và đông đảo, cùng mức lương thấp so với nhiều nước trong khu vực; đồng thời họ tận dụng quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, khi các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn đã đưa một phần sản xuất vào Việt Nam; hơn nữa, chính sách ưu đãi về công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn của Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy thêm sức hấp dẫn cho thị trường này.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ lực lượng lao động trình độ cao, kỹ năng số hóa tốt, thị trường tiềm năng với tỷ lệ sử dụng internet và smartphone cao, tạo ra nhu cầu gia tăng đối với phần mềm, dịch vụ viễn thông, công nghệ AI, IoT; đồng thời, Chính phủ Việt Nam khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nhu cầu năng lượng tăng nhanh do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cùng với cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường và mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, gió, thủy điện.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-9543-1737604406_1200x0.jpg)
Những yếu tố trên cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI mà còn khẳng định vị thế một nền kinh tế linh hoạt, phù hợp với xu thế phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và các quốc gia đang tăng cường thu hút đầu tư quay trở lại, theo ông, Việt Nam cần làm gì để vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và các quốc gia đang tăng cường thu hút đầu tư, Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài và một số mô hình kinh tế mới, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp.
Việt Nam cũng cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, bao gồm tạo quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo nguồn năng lượng đầy đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu của chuỗi ngành hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị công nghệ và thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-4106-1737604407_1200x0.jpg)
Ngoài ra, việc đào tạo lao động có tay nghề, lao động cấp quản lý đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là cần thiết, cùng với tăng cường “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập các Tổ công tác chuyên biệt trực tiếp đàm phán, hỗ trợ tập đoàn lớn vào đầu tư tại Việt Nam.
Song song đó, Việt Nam đang xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ chi phí cho các dự án công nghệ cao, chuyển đổi xanh, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, đồng thời rà soát xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư mới, đảm bảo tác động lan tỏa và tích cực cho tăng trưởng bền vững. Các Tổ công tác chuyên biệt sẽ được thành lập để trực tiếp đàm phán, hỗ trợ các tập đoàn lớn như Nvidia, SK... vào đầu tư tại Việt Nam.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, ông nhận định thế nào về các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo, đặc biệt trong chiến lược thu hút FDI của Việt Nam?
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, bởi cả hai lĩnh vực này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về công nghệ cao, đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, cung cấp giá trị gia tăng cao, giúp tăng trưởng năng suất, xây dựng nền kinh tế tri thức và tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, công nghệ cao còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giúp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và dịch vụ.
Việc các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, Samsung đã đầu tư và mở rộng trung tâm nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mà còn thu hút nhân tài, gia tăng đầu tư vào R&D. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ cho các dự án công nghệ cao, từ giảm thuế đến hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo nhân lực, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-2809-1737604407_1200x0.jpg)
Trong khi đó, năng lượng tái tạo cũng thu hút FDI nhờ vào cam kết phát triển bền vững của Việt Nam với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giúp xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Tiềm năng về tài nguyên năng lượng mặt trời và gió dồi dào cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo.
Việc phát triển năng lượng sạch sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh như sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất pin mặt trời. Qua đó, nền kinh tế xanh được định hình, tạo thêm việc làm, vừa đảm bảo phát triển bền vững vừa giảm thiểu tác động môi trường.
Với dự báo nhiều khó khăn và cơ hội đan xen trong năm 2025, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về những yếu tố sẽ hỗ trợ hoặc cản trở mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam trong năm tới?
Bước vào giai đoạn mới từ năm 2025, dù chịu tác động từ kinh tế thế giới với nguy cơ suy thoái, lạm phát, căng thẳng thương mại có thể tác động không nhỏ đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, khi bất ổn trong chuỗi cung ứng hoặc sự thay đổi chính sách thương mại từ các đối tác lớn như Mỹ hay Trung Quốc dễ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, sự phát triển và cạnh tranh từ các quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia với các chính sách thu hút FDI tương đương hoặc hấp dẫn hơn có thể tạo ra áp lực lớn, buộc Việt Nam phải nỗ lực duy trì vị thế trong khu vực. Hơn nữa, nếu những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ áp dụng các chính sách FDI mạnh mẽ hơn, dòng vốn đầu tư có khả năng chuyển hướng, làm giảm bớt lượng vốn FDI vào Việt Nam.
![](https://i.vnbusiness.vn/2025/01/23/-4438-1737604407_1200x0.jpg)
Yếu tố trong nước đòi hỏi tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số, dù đã được đầu tư nâng cấp trong những năm gần đây, nhưng vẫn cần đảm bảo tính liên thông, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, nguồn nhân lực mặc dù dồi dào nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng nhân lực để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững.
Nhưng Việt Nam vẫn còn đó các lợi thế về môi trường chính trị - xã hội ổn định, độ mở của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhân lực đang ngày càng hoàn thiện, cộng với tinh thần vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong “kỷ nguyên cất cánh của dân tộc”. Nhờ có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa năng lực, đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế - xã hội, dự báo trong năm 2025, FDI vào Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng cao so với kết quả đạt được năm 2024.
Hồng Minh