Lần đầu tiên tổ chức nhưng Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019 đã thu hút được hơn 100 quỹ đầu tư quốc tế đến tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các startup.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy đổi mới, sáng tạo với những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Thủ tục nhận vốn rườm rà
Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), năm 2018, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với Mỹ năm 2017 (khoảng 291 triệu USD).
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp (startup), năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 DN.
Ông Dũng đánh giá, với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, một thị trường năng động, nhiều tiềm năng, cộng đồng DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công ty khởi nghiệp có mức độ công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho rằng đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển.
Hơn nữa, tuy có nhiều sức hấp dẫn nhưng làm sao để thu hút ngày càng nhiều hơn các khoản đầu tư vào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, một khía cạnh vô cùng quan trọng là thể chế, chính sách vượt trội.
Ông Đỗ Hoài Nam, CEO và đồng sáng lập Up Coworking Space, đánh giá hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển thần tốc qua từng thời kỳ. Giai đoạn đầu tiên khi chưa có ai hiểu thế nào là khởi nghiệp sáng tạo; tiếp theo giai đoạn 2017- 2018, nhà nhà, người người khởi nghiệp; đến giai đoạn hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đã trở thành phong trào.
Đáng chú ý, trong năm nay sẽ có vài ba startup gọi vốn triệu USD, các công ty này sẽ vượt mức urnicon (kỳ lân – công ty startup xuất sắc), nhưng thực tế, ông Nam cho hay các công ty này đều phải sang Singapore thành lập DN.
"Chúng tôi rất bức xúc, nói là công ty Việt Nam thì không thể mang nguồn vốn ra nước ngoài đầu tư được", người truyền cảm hứng cho các startup Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO Fastgo Việt Nam, chia sẻ dòng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam đang ngày càng tăng, tuy nhiên thấp hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư thực chất, bởi các startup của Việt Nam nhận vốn đầu tư nước ngoài phần lớn thành lập công ty tại Singapore nên tiền đầu tư vào các startup của Việt Nam nhưng lại ghi nhận đầu tư cho Singapore.
Nguyên nhân là do các quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư cho một quỹ đầu tư hay công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mất khoảng 6 tháng với các ngành nghề không có điều kiện, với ngành nghề có điều kiện mất khoảng một năm.
Điều này đã gây trở ngại cho các startup trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, CEO Fastgo kiến nghị, Chính phủ cần xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh còn chồng chéo.
Số công ty khởi nghiệp tăng mạnh |
Tạo môi trường thuận lợi
Tương tự, ông Lê Xuân Anh, Giám đốc điều hành công ty bảo mật 689Cloud, chia sẻ các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn lo ngại về thủ tục pháp lý, chuẩn hóa quy trình, luật bảo hộ cho các nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.
Điều đó dẫn tới các startup Việt Nam bị bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cách giải quyết phổ biến nhất của các startup vẫn là thành lập công ty tại Singapore để đẩy nhanh tiến độ làm việc với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.
Cùng với đó, ông Phạm Nam Long, CEO Abvin, cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam gặp hai thách thức lớn, đó là sự kiên trì và đạo đức nghề nghiệp. Người Việt Nam nói chung có suy nghĩ ngắn hạn về đầu tư, một hai tháng thậm chí 1-2 năm đã muốn có lợi tức. Tuy nhiên, khởi nghiệp là một hành trình dài hơi, vì vậy đầu tư startup cần có sự kiên trì và ngay cả startup cũng cần có sự kiên trì với dự án.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có một sự phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy các bên liên quan là Nhà nước, cộng đồng startup cần phối hợp đối thoại, thường xuyên có các ý kiến, đưa ra nhu cầu của mình.
Dẫn số liệu 3 năm trở lại đây, lượng tiền từ các startup nhận được từ các quỹ đầu tư tăng nhanh với tốc độ tăng lần lượt từng năm là 49%, 42% và 205% so với năm liền kề trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn hiện quan tâm đến Việt Nam mà không phải là Singapore, Indonesia, do có hòa bình, môi trường ổn định, chính sách phát triển và con người năng động. Việt Nam nên duy trì sự quan tâm này của họ.
"Phải làm sao để Việt Nam không chỉ là điểm đến cho các nhà đầu tư, kinh doanh mà giúp các nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến để hoàn thiện mình. Trong cái chung, điều đầu tiên cần cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh, giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với các nước. Trong các xếp hạng của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cần cải thiện môi trường kinh doanh", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng startup ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ. Làm sao để các startup khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhất, không phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty vì những quy định pháp luật không tốt.
"Các Bộ, ngành và địa phương cần làm sao để người Việt, ý tưởng Việt không phải ra nước ngoài để lập công ty. Chúng ta mong quỹ vào Việt Nam nhưng tại sao lại ngăn cá nhân người Việt làm giàu bằng ý tưởng ngay trên đất nước mình?", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Lê Thúy
CEO Công ty vận tải An Vui - Phan Bá Mạnh Với startup, tốc độ là yếu tố quan trọng quyết định đến việc sống còn, nhưng với thủ tục nhận vốn như hiện nay thì đây là sự lãng phí và làm ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh. Nếu thời gian nhận vốn được rút ngắn sẽ tạo ra cơ hội thị trường cũng như cơ hội sống sót và phát triển cao cho startup rất nhiều. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Chúng tôi cam kết đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng các giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết các khó khăn để khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Phó Thủ tướng - Vũ Đức Đam Các DN lớn, các tập đoàn hãy hỗ trợ các cá nhân, DN nhỏ đổi mới, sáng tạo. Các startup Việt rất cần sự nâng đỡ của DN "đàn anh" – DN lớn, toàn xã hội, cổ vũ cho sự sáng tạo. Toàn xã hội hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc khác biệt, thậm chí "điên rồ" được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng. |