Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023 ước đạt cao nhất trong 12 năm trở lại đây với gần 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo được mùa, được giá
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, Việt Nam đã thu hoạch được 1.355,4 nghìn ha lúa vụ Đông Xuân, tăng 5,9% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%. Đáng chú ý, giá thu mua trong nước tăng; giá xuất khẩu đạt kỷ lục, có thời điểm lên tới 530 USD/tấn.
Gạo Việt Nam đang bán được giá do cầu thế giới tăng cao. |
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu gạo đang diễn ra sôi động hơn sau khi nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu tăng cao tại các thị trường chủ chốt như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thôn tin, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31 triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng mạnh 33,732% về lượng và 30,355% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – thương mại Phước Thành IV cho biết, thị trường Philippines đang rất ưa chuộng các loại gạo OM18, OM5451 và DT8. Giá các loại gạo này dao động từ 480 – 500 USD/tấn tùy theo chủng loại và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong khi đó, Trung Quốc lại chuộng dòng gạo ST; vụ Đông Xuân năm nay, bà con trồng lúa ST25 tương đối nhiều. Hiện có nhiều khách Trung Quốc tìm mua gạo ST25.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ: Nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I - II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực. Dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt; Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Theo đó, ông Nam dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của các doanh nghiệp trong nước sẽ diễn ra thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022. Đáng chú ý, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, hầu hết các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Nan giải bài toán thu nhập của nông dân trồng lúa
Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm. Trong nhiều năm qua, từ chỗ chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam) nay chuyển sang phụ thuộc vào thị trường Philippines (chiếm hơn 45% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam).
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), khuyến cáo khi đàm phán xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải có hợp đồng giao thương cẩn thận với các đối tác để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm ngoái, xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, giá trung bình đạt 349 USD/tấn, cho thấy hiệu quả cao. Tuy nhiên, ông phủ nhận thông tin nông dân có lãi 100% khi trồng lúa.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, hiện nay, thị trường gạo thế giới đang sốt giá, chỉ có Việt Nam và Thái Lan quyết định giá và lượng. Trong khi đó, gạo cao sản của Thái sẽ không ngon bằng Việt Nam. Nếu Philippines mua gạo, họ cũng muốn mua của Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng thiếu gạo, có nhu cầu nhập cao. Ở các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi càng thiếu nhiều hơn nữa… Rõ ràng, cầu thế giới với mặt hàng gạo tăng lên.
Theo đó, GS. Võ Tòng Xuân nhận định đây là thời điểm để Việt Nam bán gạo ra thế giới với mức giá tốt hơn và người nông dân sẽ được thu mua gạo với giá cao hơn.
Tuy nhiên, quay trở lại bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, GS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận người nông dân Việt Nam tạo ra hạt gạo, một nắng hai sương nhưng rõ ràng không nhiều người giàu lên từ hạt gạo. Đa số người dân chỉ trồng lúa ở mức đủ ăn, tự cấp cho gia đình và bán đi một phần còn thừa để trang trải cuộc sống.
"Chúng ta phải làm sao để người nông dân được lời nhiều hơn trong chuỗi giá trị hạt gạo. Lúc này là lúc phải tính kinh tế cho người nông dân, đừng để họ mãi chịu thiệt, phải tuân thủ kinh tế thị trường…", GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Lê Thúy