Trước tiên, phải thấy rằng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị của các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp (DN) trong nước hiện nay là rất lớn nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Số liệu nhập khẩu máy móc thiết bị 6 tháng đầu năm 2017 đã chỉ rõ điều này.
Ảnh hưởng đầu tư?
Đơn cử như nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc đã tăng 28% so với nửa đầu năm ngoái. Hồi năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 8 tỷ USD để nhập máy móc từ Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp nhiều nhất các loại máy móc thiết bị, phụ tùng cho Việt Nam, với trên 2,5 tỷ USD trong quý I/2017 vừa qua, chiếm 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị của cả nước, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc làm nhiều người liên tưởng lại những dự báo khá chuẩn xác về “bẫy máy móc, thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc” khi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học & Công nghệ về cấm nhập khẩu máy móc cũ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 và tính đến nay đã tròn một năm có hiệu lực.
Cần nhắc lại, điểm gây bàn cãi nhiều nhất tại Thông tư 23 là việc thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí: Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm (vì vòng đời công nghệ, thiết bị trung bình thường từ 7 đến 10 năm tùy thuộc từng ngành, lĩnh vực); Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ngày 4/7, trong buổi họp báo khai mạc Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Vietnam 2017) diễn ra ở Tp.HCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, cũng đã lưu ý lại những bất cập của Thông tư 23 đối với giới đầu tư Nhật Bản hiện nay.
Theo ông Koji, từ mùa hè năm trước, quy định về cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị không vượt quá 10 năm của Việt Nam đã làm hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của rất nhiều DN Nhật. Theo ông Koji, với quy định trên, các DN Nhật không thể nào mang các máy móc từ bên Nhật sang Việt Nam để sử dụng. Điều này dẫn đến việc có nhiều DN Nhật không thể nào tăng được sản lượng cũng như tăng hoạt động tuyển dụng lao động mới được.
![]() |
Quy định cấm nhập máy móc không vượt quá 10 năm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều DN
Cần điều chỉnh hợp lý
Trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, ông Takimoto Koji cho biết quy định này không chỉ ảnh hưởng đến DN Nhật mà còn ảnh hưởng đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang cần nhập khẩu các máy móc thiết bị đang sử dụng ở nước ngoài, nhằm tiếp tục phục vụ cho các nhà máy của mình tại Việt Nam.
Vị lãnh đạo của JETRO mới đây cũng đã có kiến nghị với cơ quan quản lý của Việt Nam về những bất cập này và đang đợi những phản hồi chính thức. Điều mà JETRO mong muốn các cơ quan quản lý nên hiểu là các máy móc thiết bị của Nhật có tuổi thọ rất dài, có thể tuổi thọ đến 30 năm mà máy móc vẫn còn có thể sử dụng được. Cho nên quy định máy móc nhập khẩu không vượt quá 10 năm sử dụng đã làm hạn chế sự lựa chọn của các DN Nhật.
Cũng theo ông Koji, ngay cả các DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong quy định này khi khó tiếp nhận và tiếp cận được nguồn máy móc thiết bị có chất lượng tốt có tuổi thọ trên 10 năm của Nhật với giá thành phải chăng.
Thực ra, khi Thông tư 23 “ra đời” từ tháng 11/2015 đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận. Lẽ đương nhiên, ý tốt từ phía cơ quan quản lý là không muốn các nhà đầu tư FDI và các DN trong nước biến Việt Nam thành “bãi rác công nghiệp” nếu cứ mãi nhập khẩu máy móc thiết bị cũ.
Cũng nên nhắc thêm, hồi đầu tháng 6/2017, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Chuyển giao công nghệ. Trong đó, đối với ý kiến cần đặc biệt kiểm soát máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, dự thảo luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam các công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp.
Nhưng, điều mà nhiều người lo ngại về việc hưởng lợi của máy móc Trung Quốc từ Thông tư 23 dường như là thực tế đang diễn ra, vị trí quán quân về nhập khẩu máy móc của Trung Quốc vào Việt Nam hiện giờ đã chỉ rõ vấn đề này. Bởi vì, nếu mua máy mới từ các nước tiên tiến thì chi phí quá cao, quá sức của DN nội, thậm chí ngay bản thân DN FDI cũng than khó hoàn vốn nếu nhập máy mới.
Điểm đáng ngại ở chỗ máy móc mới của Trung Quốc dù rẻ nhưng dễ hỏng hóc, không sử dụng được lâu bền. Liệu các nhà hoạch định chính sách có nghĩ tới hệ quả từ Thông tư 23 sẽ góp phần giúp cho các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường và đưa những DN vừa và nhỏ của Việt Nam rơi vào “bẫy” máy móc, thiết bị giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc.
Từ những băn khoăn nêu trên, khi nhìn lại một năm có hiệu lực của Thông tư 23, các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn thực tế hơn nhằm có những điều chỉnh phù hợp với việc hạn chế nhập khẩu máy móc cũ để tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI và DN nội địa trong việc nhập khẩu máy móc để đầu tư mở rộng sản xuất.
Thế Vinh