Trong báo cáo mới nhất, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “tích cực”, đồng thời giữ nguyên bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn và nợ cao cấp không được đảm bảo ở mức “Ba3”.
Moody's đánh giá Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất trên toàn cầu, thương mại và tiêu dùng trong thời hậu đại dịch (Ảnh minh họa: Int) |
Moody’s cho biết, việc nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuất phát từ những dấu hiệu cải thiện về sức mạnh tài chính và tiềm năng cải thiện về kinh tế - một yếu tố có thể củng cố hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới. Sự cải thiện bền vững về tài chính đã kéo theo sự cải thiện về các thông số tài chính và nợ.
Theo Moody’s, tình hình tài chính của Việt Nam chỉ bị gián đoạn bởi COVID-19 trong thời gian ngắn, nhưng sau đó hồi phục nhanh nhờ kiểm soát dịch bệnh tương đối thành công.
Đáng chú ý, Moody's đánh giá Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất trên toàn cầu, thương mại và tiêu dùng trong thời hậu đại dịch. Trong thời gian tới, sự cải thiện của các chỉ báo tài chính lẫn kinh tế Việt Nam có thể đến từ sự hiệu quả về chính sách.
Việc giữ bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn và nợ cao cấp không được đảm bảo ở mức “Ba3” được củng cố bởi nhiều yếu tố, bao gồm triển vọng tín nhiệm hiện tại, nền kinh tế lớn và đa dạng hóa với tiềm năng tăng trưởng cao và có thể đứng vững trước các cú sốc. Ngoài ra, yếu tố tích cực còn đến từ khả năng ngày càng tăng tại hệ thống tài chính Việt Nam để tài trợ cho những khoản vay của Chính phủ ở mức lãi suất thấp.
Các đặc điểm mang tính cấu trúc và chu kỳ có thể nâng sức mạnh kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có vị thế tốt nhờ khả năng hội nhập quốc tế vào chuỗi cung ứng châu Á, cũng như tận dụng được nhu cầu về đồ điện tử, điện thoại thông minh, đồ nội thất và các mặt hàng sản xuất khác đang tăng nhanh.
Moody's cho rằng, tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ năm 2010. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất và thương mại, nhờ các hiệp định thương mại lớn như, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.
Moody’s kỳ vọng những thỏa thuận này sẽ nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam ở những sản phẩm như giày dép, hàng may mặc…, đồng thời cũng đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm những chuỗi cung ứng khu vực có giá trị gia tăng cao hơn như trong lĩnh vực smartphone, thiết bị bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác. Bên cạnh đó, hội nhập thương mại cũng thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics.
P.L