Đó là cách ví von mà các chuyên gia đã nêu ra tại Hội thảo công bố kết quả của nghiên cứu Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra DNNVV (doanh nghiệp nhỏ và vừa) năm 2015 được công bố ngày 9/11.
DNNVV và khu vực tư nhân được đánh giá là một động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực DNNVV đã đạt được mức tăng trưởng theo cấp số nhân trong hơn một thập kỷ qua.
Khó khăn vẫn hiện hữu
Thực tế khảo sát cho thấy, nhìn chung, tỷ lệ các DNNVV Việt Nam gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn là khá cao. Năm 2015, có tới 83% số DN được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013. Những cản trở nhất đối với tăng trưởng của DN điều tra là thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính, cầu hạn hẹp, cạnh tranh quá lớn, thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Gs. John Rand (Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu) cho rằng thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các DN. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.
Thiếu cầu về sản phẩm hiện tại là trở ngại thứ hai, đánh giá của các chủ DN và nhóm nghiên cứu cũng thấy có sự giảm đi về tỷ lệ các DN gặp khó khăn, từ 27% năm 2013 xuống còn 21% năm 2015.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ là các DNNVV Việt Nam dường như chưa đủ năng động ở thị trường nước ngoài. Điều này không chỉ thể hiện qua tỷ lệ thấp các DN có xuất khẩu mà còn biểu hiện qua sự ít thịnh hành của các tiêu chuẩn được thừa nhận trên bình diện quốc tế.
Dẫn chứng là gần 90% các DN cho rằng họ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực hoạt động của mình. Áp lực cạnh tranh tăng lên theo chiều tăng của quy mô DN trong khi các DN cảm nhận rằng mức độ cạnh tranh đã tăng lên trong hai năm qua.
![]() |
DNNVV Việt Nam dường như chưa đủ năng động ở thị trường nước ngoài
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Gia tăng áp lực cạnh tranh là một đặc tính không thể thiếu của các nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, một điều quan trọng là khung chính sách phải được hình thành để tháo gỡ những phát sinh tiêu cực từ thị trường như vấn đề thông đồng, độc quyền hóa và bất cân bằng để đạt được những lợi ích phù hợp thông qua những phát minh, sáng kiến công nghệ”.
Đi cùng với những khó khăn trên, một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là chi phí phi chính thức. Theo kết quả điều tra hơn 2.600 DNNVV tại 10 tỉnh thành trung ương như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng… có 42,7% DN cho biết trong năm 2015 họ đã phải trả các khoản phí phi chính thức để duy trì sản xuất và phát triển.
Cụ thể, DN chi tiền lót tay nhằm mục đích tiếp cận các dịch vụ công, giải quyết vấn đề thuế, hải quan… Tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” năm 2015 là 18,75% số DN tham gia khảo sát; tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015.
Chi phí “lót tay” sẽ tiếp tục tăng
“Các nguyên nhân khác” có tỷ lệ phí phi chính thức tăng cao, 35- 38%, trong đó nhiều chi phí không hề giảm như chi phí “để giải quyết các vấn đề liên quan đến hải quan”, “Để có được giấy phép và chứng chỉ” và “Để giành được hợp đồng cung cấp cho chính quyền” có sự thay đổi không đáng kể.
Trong số các DN có chi ngoài (chi phí phi chính thức), theo khảo sát của CIEM, có 41,2% DN cho biết khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Lý do chính là do những khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của Chính phủ tăng lên, đòi hỏi các DN có biện pháp đối phó; sự cạnh tranh tăng lên, dẫn đến sự cần thiết phải tăng các khoản chi phi chính thức để có thể tồn tại.
Có 58% số DN có chi ngoài trong năm 2013 tiếp tục chi trong năm 2015. Thêm vào đó, 30% các DN không chi ngoài trong điều tra năm 2013 lại có chi ngoài trong điều tra năm 2015. Điều này cho thấy rằng một tỷ lệ đáng kể các DN trong những thời điểm nào đó đánh giá rằng chi ngoài là cần thiết cho phát triển của họ.
Đặc biệt, các DN thuộc khu vực chính thức (đã thành lập công ty, có mã số thuế) có chi ngoài thường xuyên hơn mục đích là để đối phó với cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân quan trọng của việc chi ngoài vẫn không được tiết lộ, bởi nếu căn cứ vào kết quả khảo sát, việc chi ngoài cho các mục đích về cấp giấy phép, thủ tục thuế, hải quan, để đạt được hợp đồng với Chính phủ… lại chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với việc chi ngoài cho “lý do khác”.
Do vậy, ông Hiếu đánh giá đây là những con số biết nói, đáng để suy nghĩ và cho rằng những con số trên có vấn đề. Dù cảm nhận của DN là khi có chi phí không chính thức sẽ thuận lợi hơn, nhưng điều thú vị là chi phí này không liên quan, tác động nhiều đến tăng trưởng kết quả sản xuất kinh doanh.
Câu chuyện này có ý nghĩa cả hai chiều, cho DN, cho cơ quan chức năng. DN cần đấu tranh với chính mình. Ở nước ngoài, các công ty lớn có chính sách chống tham nhũng và đây là yếu tố để đánh giá năng lực cạnh tranh.
Trước bức tranh môi trường kinh doanh hiện nay, ông Hiếu đã ví von môi trường kinh doanh như một bể cá mà trong đó mỗi DN như một con cá trong đó. Trong môi trường đó, cá sống và phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào môi trường trong bể.
Đồng quan điểm này, Gs. Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới, cũng cho rằng tạo ra bể cá là tốt, nhưng rất cần làm tốt hơn việc tìm cách để cá trong bể đó được sống và lớn lên. Hiểu được môi trường mà DNNVV đang hoạt động cũng như những trở ngại họ đang đối mặt và cơ hội mà họ đang có là rất quan trọng để đưa ra được các chính sách có lợi cho một sự tăng trưởng ổn định.
Do vậy, theo ông Hiếu, lâu nay, chúng ta được nghe nói Chính phủ và các Bộ, ngành đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế muốn biết “bể cá” đó thực sự tốt đến đâu cần đánh giá từ thực tế xem cá trong đó sống ra sao. Nghĩa là cần đo “sức khoẻ” của DN để biết hiện trạng môi trường kinh doanh hiện nay.
Gs. Finn Tarp Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới ------------------------------- Chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của DN. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN thoát khỏi những chi phí phi chính thức. Khi mọi thứ minh bạch thì chi phí không chính thức chắc chắn sẽ giảm. Ông Phan Đức Hiếu Gs. John Rand Những đặc tính môi trường kinh doanh này cho thấy dấu hiệu rằng dường như các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít nhưng thứ tự các khó khăn vẫn không có sự thay đổi. |
Lê Thúy