Đây là khẳng định của ông Tô Xuân Phúc (tổ chức Forest Trends) cùng nhóm tác giả tại báo cáo Thương mại gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ (giai đoạn 2013-2016).
Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, nhóm tác giả khẳng định, Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam cả trên trên phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và là thị trường lớn nhất trong việc tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
![]() |
Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng gỗ nguyên liệu với khối lượng lớn
Cho đến nay, cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa xu thế chung của ngành chế biến gỗ xuất khẩu - với giá trị thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, mức thặng dư của Việt Nam trong thương mại gỗ với thị trường Hoa Kỳ cao nhất trong số tất cả các thị trường xuất khẩu, với giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này cao gấp khoảng 10 lần so với giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.
Đến nay mức thặng dư trong thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng. Đây là những tín hiệu tích cực, phản ánh rõ nét việc mở rộng nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Hoa Kỳ trong tương lai.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng cho rằng, sự thiếu hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước trong bối cảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang tiếp tục mở rộng đòi hỏi mỗi năm Việt Nam cần phải nhập khẩu gỗ từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 160-170 loài và lượng nhập khoảng 4-4,5 triệu m3 gỗ quy tròn .
“Trong khi, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm gỗ hiện nay tại các thị trường lớn, như Mỹ, Châu Âu hay Úc cho thấy những đòi hỏi về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có nghĩa rằng các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường có cơ hội được chấp nhận tại các thị trường này; ngược lại, các sản phẩm không đáp ứng được với các yêu cầu của thị trường đặt doanh nghiệp đối mặt với các rủi ro. Các rủi ro này không chỉ đơn thuần là mất thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn liên quan đến các trách nhiệm pháp lý như các hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp”, nhóm tác giả này phân tích.
Cụ thể, trong các nguồn cung gỗ cho Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu lớn và an toàn nhất về mặt pháp lý cho Việt Nam. Tính bình quân hàng năm Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam khoảng gần 500.000 m3 gỗ xẻ, tương đương với khoảng 700.000 m3 gỗ quy tròn. Nếu gộp cả lượng gỗ tròn nhập khẩu từ thị trường này (khoảng dưới 100.000 m3/năm) thì lượng gỗ nguyên liệu được nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm gần 20% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất cho việc tiêu thụ các mặt hàng gỗ Việt Nam. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt được từ thị trường này chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ tất cả các thị trường xuất khẩu.
Xu hướng xuất khẩu cho thấy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt được từ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng, trung bình khoảng trên dưới 15%/năm. Đây là những tín hiệu rất mừng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường EU – thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ - có dấu hiệu chững lại, thậm chí tụt giảm tại một số quốc gia thành viên trong khối.
Lê Thúy