“Những quy định giới hạn học sinh Việt Nam tham gia học tập trong các cơ sở đào tạo quốc tế tại Việt Nam hiện nay không chỉ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, mà vô hình trung còn gây “lãng phí” khi người Việt phải chi một số tiền không hề nhỏ cho con em ra nước ngoài du học”, các nhà đầu tư nước ngoài lên tiếng.
Bộ GD&ĐT không có số liệu đầy đủ về việc lưu học sinh ở lại hay về nước, ngay cả các đại sứ quán cũng khó nắm được con số này vì quy định về xuất nhập cảnh với du học sinh của các nước khác nhau.
“Xuất khẩu” 3 tỷ USD
Theo nhóm Công tác giáo dục và đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015), mỗi năm, người Việt đang “xuất khẩu” khoảng gần 3 tỷ USD để được hưởng nền giáo dục quốc tế. Điều này cho thấy, nhu cầu của học sinh Việt Nam được học tại trường quốc tế ngày càng tăng cao.
Vẫn biết rằng việc đầu tư cho giáo dục không bao giờ thừa, cũng chẳng có gì đáng bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, sau khi công bố số liệu trên, nhóm Nghiên cứu này cho rằng nguyên nhân của việc người Việt “mạnh tay” cho con em đi du học có một phần xuất phát từ quy định của Chính phủ về việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam 10% và 20% được phép đăng ký học tại các trường quốc tế dù đang trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế.
“Nếu Chính phủ không cho phép các học sinh có nhu cầu học các trường quốc tế tại Việt Nam, các học sinh sẽ ra nước ngoài học”, các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị.
Đồng thời, việc hạn chế này sẽ khiến Việt Nam không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… Bởi tỷ lệ 10% và 20% học sinh Việt Nam được phép học tại trường quốc tế tính trên số lượng học sinh nước ngoài của trường. Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục không có học sinh nước ngoài học tập thì cũng không được tuyển học sinh Việt Nam vào học.
Thực tế là hầu hết các tỉnh thành trừ Hà Nội và Tp.HCM có rất ít người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, do đó hầu như không có học sinh nước ngoài đăng ký học. Nếu theo tỷ lệ hạn chế nêu trên sẽ không có học sinh Việt Nam được phép tiếp cận với trường quốc tế dù có nhu cầu.
Do vậy, thay mặt cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, nhóm Nghiên cứu đề xuất Chính phủ nên bỏ điều khoản hạn chế này để học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với trường quốc tế ngay tại Việt Nam thay vì phải ra ngoài học. Chính phủ có thể bổ sung các điều kiện khác cho học sinh Việt Nam tại các trường quốc tế có thể duy trì văn hóa Việt…
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu này cũng kiến nghị về Nghị định 73, ban hành năm 2012 nhằm thay thế nghị định 06, áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài và hợp tác trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam bao gồm các trường đại học, trường học có vốn đầu tư nước ngoài và các trường mẫu giáo, chương trình bán du học, và các văn phòng đại diện của các tổ chức giáo dục nước ngoài.
Theo nhóm công tác, nghị định 73 phức tạp hơn so với nghị định 06 trước đây với yêu cầu 03 loại giấy phép, cụ thể là: giấy phép đầu tư, sau đó là giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động. Điều này áp dụng ngay cả khi thành lập chi nhánh của một tổ chức đã được cấp phép. Rất nhiều thủ tục giấy tờ lặp đi lặp lại trong các quá trình và yêu cầu nhiều đánh giá của nhiều cục, vụ liên quan, dẫn đến việc lãng phí thời gian cho các nhà đầu tư/các tổ chức và các cơ quan cấp giấy phép.
“Các nhà đầu tư mới vào Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư hiện tại, cảm thấy rằng rất khó để vượt qua tất cả các thủ tục cấp phép phức tạp. Ngoài ra, điều này mâu thuẫn với những chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội về Luật Đầu tư (tức là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư)”, Nhóm công tác dẫn chứng.
Thêm vào đó, môi trường pháp lý của Việt Nam lại gây khó khăn cho sinh viên có được sự công nhận chứng chỉ đào tạo nước ngoài khi học bán thời gian trực tuyến tại Việt Nam (gọi là phương pháp học kết hợp) mặc dù các bằng cấp này do trường đại học ở nước ngoài cấp đã đáp ứng tất cả các yêu cầu về đảm bảo chất lượng giống hệt như các khóa học bằng phương pháp trực tuyến 100%.
Trong khi đó, hình thức học trực tuyến là xu hướng mới toàn cầu, vừa hiệu quả về chi phí, linh động và sáng tạo trong giáo dục có chất lượng. Cách thức này có thể giúp Việt Nam cải thiện hơn trong việc tiếp cận với giáo dục có chất lượng và vượt qua thách thức như sự mất cân bằng về trình độ phát triển trong các khu vực khác nhau trên toàn quốc.
Du học làm tăng năng suất lao động?
Ở khía cạnh khác, một băn khoăn cũng được đặt ra là với mức độ đầu tư cho giáo dục như vậy, tại sao Việt Nam vẫn bị đánh giá là nước có năng suất lao động cực thấp, thậm chí dường như đang đi xuống.
Tổ chức Năng suất châu Á đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có năng suất lao động thấp nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Điều này cho thấy, phải chăng “du học” nhiều nhưng chưa có tác động tới năng suất lao động trong nước.
Do vậy, khi đầu tư tại Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực thấp vẫn là vấn đề trăn trở của nhiều DN. Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch Hiệp hội DN Bắc Âu tại Việt Nam, chia sẻ: Rất nhiều DN của chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những lao động có tay nghề và cả kỹ sư. Chúng tôi nghĩ rằng việc đầu tư vào giáo dục, nhất là những trường dạy nghề vào đào tạo kỹ sư là việc mà các cơ quan chức năng nên tập trung nhiều hơn để nâng cao kiến thức và tiêu chuẩn của lực lượng lao động”.
Ông Sigmund Stromme cho biết: “Trong giai đoạn đầu của việc thành lập một dự án mới thì cần huy động các chuyên gia nước ngoài cho việc chuyển giao công nghệ phù hợp, do đó, quy trình này không quá phức tạp. Tuy nhiên, ở công đoạn sau, chúng tôi cần người Việt có thể đảm đương những công việc này, song hiện tại trình độ lao động Việt Nam đang khó đáp ứng yêu cầu này”.
Ngoài ra, theo các DN, hiện nay muốn tìm kiếm những chuyên gia kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng… là không khó. Nhưng muốn tìm kiếm những chuyên gia ngành lúa gạo, cà phê, cao su… để DN có được những lời khuyên lúc nào nên mua, lúc nào nên bán, chính sách giá thế nào…. thì vẫn còn rất thiếu.
Chưa kể số học sinh sau khi du học trở về nước cũng rất ít do chúng ta chưa có những chính sách thu hút nhân tài. Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, thừa nhận, thực tế Bộ GD&ĐT không có số liệu đầy đủ về việc lưu học sinh ở lại hay về nước, ngay cả các đại sứ quán cũng khó nắm được con số này vì quy định về xuất nhập cảnh với du học sinh của các nước khác nhau.
Về vấn đề này, tại kì họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Tp.HCM, cũng đã đặt câu hỏi: “Về nguồn nhân lực, tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay, cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác”.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Bộ KH&ĐT luôn hoan nghênh những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là những dự án đầu tư này có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục – đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế từ mẫu giáo đến bậc đại học ngay tại Việt Nam. Điều này góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia ngành nông nghiệp Để tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục, cần hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư vào ngành giáo dục; xây dựng và triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tìm kiếm địa điểm… Đầu tư vào giáo dục và đào tạo cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư một lượng vốn lớn trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc xúc tiến đầu tư FDI để phát triển ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều các sinh viên được đào tạo bài bản Tây học trở về nước, bổ sung vào đội ngũ chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, chỉ một số ít về làm việc cho các Viện nghiên cứu của Nhà nước, phần lớn trong số này thường lựa chọn các tổ chức quốc tế để được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và hưởng mức lương cao. |