Theo báo cáo phân tích dự báo mô hình hồi phục kinh tế của Chứng khoán SSI, trong 12 năm qua, Việt nam đã trải qua 2 đợt khủng hoảng lớn và 1 đợt suy thoái nhẹ với 3 dạng hồi phục khác nhau. Hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau này sẽ giúp dự báo được mô hình hồi phục hậu Covid-19 sắp tới.
Nhìn lại quá khứ
Đầu tiên phải nhắc tới khủng hoảng trong giai đoạn 2008-2009, nguyên nhân do khởi đầu sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ khi để tín dụng tăng quá mạnh (51% trong năm 2007) gây ra lạm phát phi mã của năm 2008 (tăng 20%). Vào cuối 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nên nguyên nhân tiền tệ đã không được đánh giá đúng mức.
Tiềm lực kinh tế của Việt Nam ở trạng thái tốt (tăng trưởng giai đoạn trước đó đều trên 7% và ngoại tệ đổ vào nhiều sau khi Việt Nam gia nhập WTO). Việt Nam cũng nhanh chóng nới lỏng tiền tệ và tài khóa để kích thích kinh tế. Ở bên ngoài, việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất và tung ra gói cứu trợ QE đã giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh.
Riêng Trung Quốc duy trì tăng trưởng đều đặn trên 9%. Trong giai đoạn này, mô hình phục hồi của kinh tế Việt Nam có “hình chữ V”.
Đến giai đoạn khủng hoảng 2011-2012 là khủng hoảng kép do cả tài khóa và tiền tệ đều bị nới lỏng quá mức. Để kích thích kinh tế, Việt Nam đã đưa ra gói “kích thích kinh tế 1 tỷ USD”, tăng trưởng tín dụng trong năm 2009 lại vọt lên 38%. Điều đáng nói là gói tín dụng này không rõ ràng nên dòng vốn bị phân tán nhiều sang các tài sản đầu cơ.
Do bơm tiền quá mạnh bằng cả tín dụng và tài khóa, lạm phát năm 2011 lại vọt lên 18%. Hệ quả là chính sách tiền tệ và tài khóa sau đó đã phải thắt rất chặt. Khẩu hiệu “ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát” ra đời trong giai đoạn này.
Quá trình phục hồi của khủng hoảng này kéo dài tới 5 năm, từ năm 2012 - 2016. Đây là một giai đoạn rất đáng tiếc, vì đã làm Việt Nam thụt lùi hơn so với các nước láng giềng. Giai đoạn này, mô hình hồi phục có “hình chữ L”.
Trong đợt suy thoái nhẹ 2016-2017: vào quý I/2016 khô hạn do Elnino, ngành công nghiệp tăng trưởng âm; giá dầu giảm, trữ lượng dầu giảm... là những nhân tố chính kéo giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Tiếp đến vào quý I/2017, sự cố Samsung Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016 đã làm ngành công nghiệp điện tử giảm mạnh. Với tỷ trọng lớn, ngành này đã kéo giảm tăng trưởng chung. Ngoài ra, khai khoáng cũng giảm sâu nhất lịch sử, với mức giảm tới 10%.
Tuy nhiên, sau sự cố, các mẫu điện thoại tiếp theo của Samsung là Galaxy S8 và Note 8 đã thành công và kéo lại tăng trưởng. Ngành nông nghiệp hồi phục do thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi. Giai đoạn này, mô hình hồi phục có “hình chữ W”.
![]() |
4 mô hình hồi phục hậu Covid-19
Dựa trên 2 biến số cơ bản là diễn biến dịch bệnh và năng lực ứng phó, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI đã đưa ra 4 mô hình hồi phục tương ứng với các điều kiện xảy ra (các điều kiện này có thể xảy ra đồng thời hoặc không).
Theo đó, nếu dịch kết thúc trong quý II, các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt, cải cách thể chế mạnh mẽ trong năm 2020, kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch thì nền kinh tế sẽ hồi phục theo “mô hình chữ V”.
Kịch bản thứ 2 là dịch kết thúc trong quý III, các biện pháp kích thích gần chạm ngưỡng nhưng còn tương đối hiệu quả, cải cách thể chế được thực thi ở một số khu vực, kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái nhưng hồi phục chậm, mô hình hồi phục sẽ là “chữ U”.
Kịch bản thứ 3 “mô hình chữ L”: dịch kết thúc trong quý III/2020 hoặc IV/2020; Các biện pháp kích thích không đủ hoặc không hiệu quả; Các cải cách chậm thực thi hoặc không hiệu quả; Có thể khủng hoảng kép (từ dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng tài chính …); Kinh tế thế giới/Việt nam bị ảnh hưởng nặng nề, phục hồi rất chậm.
Cuối cùng là “mô hình chữ W”: dịch kết thúc trong quý II/2020 nhưng bùng lại vào đầu năm 2021; Các biện pháp kích thích và cải cách mang lại hiệu quả tốt trong năm 2020, tạo dư địa cho năm 2021.
Theo SSI, dựa trên các phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, xác xuất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt nam là “mô hình chữ V”.
Bởi lẽ, xác xuất dịch bệnh kết thúc trong mùa hè là tương đối cao. Thực tế thì các dịch cúm trước đây đều kết thúc vào mùa hè. Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý (8 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất…).
Năng lực kích thích kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch. Khi đó, nền kinh tế có thể hồi phục tăng trưởng trong quý III và nhanh hơn trong quý IV.
Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng sẽ rất cao, đến nửa cuối 2021, tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định. Nếu các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020 thực sự hiệu quả thì tăng trưởng từ 2022 trở đi sẽ ngày một khả quan. Giai đoạn 2018-2019, tăng trưởng đạt 7%, năm 2022 có thể trên 7,5% và tăng dần các năm sau đó.
Dù xác xuất mô hình chữ V là cao nhất nhưng không nổi trội so với các mô hình khác, có thể đặt xác xuất 35-25-25-15 cho mô hình V, U, L và W. Tuy nhiên, sự hồi phục thậm chí cũng không hoàn toàn giống mô hình nào trong 4 mô hình này do dịch bệnh rất khó nói trước và sức khỏe hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể.
Vân Linh