Hiện nay, việc hợp tác kinh doanh với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và nước Pháp nói riêng ngày càng trở nên dễ dàng hơn vì các thủ tục được đơn giản hóa, quy định về di cư cũng không quá chặt chẽ. Đặc biệt, Pháp được đánh giá là quốc gia tiềm năng để hàng hóa Việt Nam dễ dàng xâm nhập vào thị trường EU, song việc đầu tư vào đây cũng có những đặc thù riêng cần được lưu ý. Kinhdoanhđã có cuộc trao đổi với ông Olivier Monange, Luật sư của Văn phòng Luật Avocats, về vấn đề này.
Ông Olivier Monange, Luật sư của Văn phòng Luật Avocats
----------------------------
Ông có thể cho biết các kênh phân phối hàng hóa chủ yếu ở Pháp hiện nay?
Có 2 kênh phân phối chủ yếu mà doanh nghiệp có thể tin tưởng được. Đó là tìm đại lý hoặc ký hợp đồng với nhà phân phối chuyên nghiệp. Trong đó hợp đồng đại lý thường có nhiều hơn các quy định áp dụng chặt chẽ của EU so với tìm nhà phân phối chuyên nghiệp.
Chẳng hạn, hợp đồng đại lý phải được quy định rõ ràng đối với một số điều khoản như: xác định rõ khu vực địa lý độc quyền, phạm vi lãnh thổ; quy định độc quyền phải được hạn chế trong khoảng thời gian bao lâu… Nếu không có những điều khoản này thì hợp đồng sẽ trở thành vô hiệu. Ngoài ra, hợp đồng không được phép có dấu hiệu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, nếu không có thể bị phạt hoặc chấm dứt hợp đồng.
Một nội dung khác cũng quan trọng không kém, đó là phải lựa chọn tòa án tiến hành giải quyết tranh chấp. Luật áp dụng là của nước nào cũng phải được quy định cụ thể, nếu không sẽ gây khó khăn khi tiến hành xử lý. Khi xảy ra tranh chấp, nếu không quy định rõ điều này, tòa sẽ căn cứ vào pháp luật tại nơi áp dụng hợp đồng để giải quyết. Bởi vậy, ngay từ đầu nên có sự thương lượng, quy định rõ điều khoản này để đạt được lợi thế nếu chẳng may có tranh chấp xảy ra.
Vậy để tiến hành hoạt động đầu tư và kinh doanh trực tiếp vào thị trường Pháp, theo ông, doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức nào?
Hiện doanh nghiệp kinh doanh tại Pháp chủ yếu lựa chọn 4 mô hình là mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, mở chi nhánh, thành lập doanh nghiệp cổ phần. Trong đó, doanh nghiệp cổ phần là hình thức thường được chọn nhất.
Ông có thể giải thích rõ hơn?
Văn phòng đại diện có rất ít quyền hạn bởi nó không có tư cách pháp nhân, không được tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh như bán, cấp hóa đơn, cung cấp dịch vụ… Thường các văn phòng như thế này chỉ giữ nhiệm vụ làm cầu nối, theo dõi khách hàng, nghiên cứu thị trường.
Chi nhánh cũng giống như văn phòng đại diện, không có tư cách pháp nhân, nhưng được phép thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh như xuất hóa đơn, thực hiện hợp đồng, thu tiền, đóng thuế… Để được thành lập, doanh nghiệp cần đăng ký với cơ quan quản lý, dịch điều lệ của công ty mẹ ra tiếng Pháp, hàng năm cung cấp báo cáo tình hình hoạt động và dịch sang tiếng Pháp. Nếu công ty có quy mô nhỏ thì không nên thực hiện theo hình thức này vì rất phức tạp và tốn kém; hơn nữa, mọi sai phạm đều do công ty mẹ chịu trách nhiệm, và phạm vi thu nhập chịu thuế cũng không rõ ràng.
Với hình thức thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nếu đại diện là người Việt Nam, phải khai báo trước với sở cảnh sát. Nếu người đại diện đang ở Pháp rồi, phải xin giấy phép hoạt động thương mại. Sau khi khai báo, người đứng đầu doanh nghiệp có thể chuyển vốn điều lệ và đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn 15 ngày, giấy phép đăng ký của doanh nghiệp sẽ được duyệt. Tuy nhiên, hình thức này cũng phức tạp không kém việc mở chi nhánh. Bởi vậy, theo tôi, doanh nghiệp nên chọn hình thức công ty cổ phẩn sẽ an toàn, đỡ được nhiều thủ tục rắc rối hơn.
Khi giao thương với các doanh nghiệp Pháp, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn những kênh thanh toán nào để đảm bảo an toàn?
Hiện doanh nghiệp thường lựa chọn 2 kênh thanh toán chủ yếu là chuyển khoản và thư tín dụng. Tại thị trường Pháp, nếu chưa có đối tác lâu năm, truyền thống và đáng tin cậy, tôi khuyên các bạn nên sử dụng kênh thanh toán là thư tín dụng. Còn sau khi đã thiết lập được các mối quan hệ đáng tin cậy, có thể sử dụng biện pháp khác như chuyển khoản. Đây là phương thức thanh toán không nên sử dụng cho người mới lần đầu tiên làm ăn tại Pháp.
Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp khi thực hiện các bước đầu tư ban đầu?
Nếu lần đầu tiên tìm hiểu và đầu tư vào Pháp, các doanh nghiệp nên tới các công ty tư vấn, những người nắm rất rõ thủ tục hải quan và thuế của Pháp, để họ cung cấp những lời khuyên phù hợp nhất với loại hình doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi khi lần đầu tiên hoạt động tại Pháp.
Lưu ý thứ hai là hiện ở Pháp và EU có một số quy chế dành cho các nhà xuất khẩu nước ngoài, đó là quy chế được chấp thuận (OEA). Khi hoạt động tại đây, trước tiên, doanh nghiệp nên xin quy chế OEA, tức là doanh nghiệp được chấp thuận tại Pháp. Có được quy chế này, doanh nghiệp sẽ được hưởng 2 thuận lợi lớn, đó là đơn giản hóa về thủ tục hải quan, các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như chất lượng sản phẩm cũng được giảm nhẹ, như vậy khi đầu tư sẽ bớt được nhiều gánh nặng.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần trực tiếp thăm dò thị trường Pháp để tìm hiểu những tiêu chuẩn của sản phẩm cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Ở Pháp có những chuẩn mực chung của châu Âu chứ không chỉ là chuẩn mực riêng của Pháp về vấn đề vệ sinh, chất lượng sản phẩm… Đối với từng loại hàng hóa lại có những tiêu chuẩn khác nhau, và cần phải sang tận nơi để tìm hiểu về vấn đề này.
Vậy doanh nghiệp muốn tìm hiểu thông tin đầu tư vào Pháp có thể tìm đến những cơ quan nào, thưa ông?
Doanh nghiệp muốn bán sản phẩm tại thị trường Pháp, trước tiên hãy đến tận nơi. Đầu tiên, doanh nghiệp có thể tìm đến các phòng thương mại và công nghiệp. Họ có một mạng lưới danh sách khách hàng tiềm năng rộng lớn và nhiều ngành nghề, có thể định hướng các khách hàng tiềm năng. Thứ hai là các hiệp hội nghề nghiệp, cũng là một địa chỉ đáng tin cậy để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Thứ ba là các kênh phân phối lớn có văn phòng đại diện ở nhiều quốc gia. Một số công ty của Pháp đã có văn phòng tại Việt Nam rồi, nên các bạn có thể tìm hiểu trước thông tin ở đó, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn khi phân phối hàng sang Pháp.
An Khánh
KINH DOANH số 91, ra ngày 30/05/2011