Ông Phạm Xuân Phong, Giám đốc công ty TNHH Nông nghiệp Xanh và Xanh (huyện Cần Giuộc, Long An), cho biết đang nhập khẩu (NK) sản phẩm máy phun tự động từ một thương hiệu ở Trung Quốc để phục vụ cho việc tưới tiêu của những người làm nông nghiệp có diện tích đất canh tác lớn được tốt hơn.
Tràn ngập sản phẩm ngoại
Theo ông Phong, giá thành của sản phẩm này tương đối rẻ so với mặt bằng chung của thị trường nên với các nông dân sở hữu nhiều diện tích đất “dư sức” để mua. Đồng thời, công suất của máy phun này gấp 10 lần so với việc tưới tiêu thông thường, vừa giúp tăng năng suất vừa tiết giảm rất nhiều về thời gian.
Được biết, hướng đi của Nông nghiệp Xanh và Xanh là chuyên sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, để áp dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm tốt hơn, thay vì sử dụng sản phẩm trong nước, công ty phải NK máy móc nông nghiệp từ nước ngoài để phân phối đến tay người nông dân.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phong cho rằng với sản phẩm máy phun tự động mà công ty của ông NK cũng đã được chế tạo ở trong nước nhưng không hiệu quả bằng, không như ý muốn của nông dân. Dù công ty rất muốn ủng hộ máy nông nghiệp Việt có công nghệ cao, nhưng giá sản phẩm quá cao so với giá máy móc cùng loại được NK từ Trung Quốc nên đành từ bỏ.
Theo đánh giá, do sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước vẫn còn manh mún, chất lượng chưa đạt, kém cạnh tranh về giá cả nên thị trường máy nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn thuộc về các sản phẩm NK ở nước ngoài (ước khoảng 80%), nhất là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Quan sát tại Triển lãm thương mại quốc về sản phẩm nông nghiệp – Agri 2019 diễn ra ngày 26/6 ở Tp.HCM sẽ thấy sự tràn ngập ở các gian hàng trưng bày là những sản phẩm máy nông nghiệp của Trung Quốc. Một số doanh nghiệp (DN) Việt cũng tham gia trưng bày, nhưng khi được hỏi lại cho biết là máy móc nông nghiệp của họ… được nhập từ Trung Quốc.
Trong khi đó, theo số liệu nghiên cứu về thị trường máy móc nông nghiệp Việt Nam được đưa ra tại triển lãm này, dự kiến CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) tăng 14,5% trong giai đoạn dự báo (2018 – 2023). Chỉ tính riêng cách đây hai năm, thị trường máy móc nông nghiệp Việt Nam đã có trị giá 115,2 triệu USD.
Nếu tính thị phần thị trường máy móc nông nghiệp theo từng quốc gia, các sản phẩm NK từ một số nước lân cận có giá thành rẻ chiếm con số áp đảo lên tới 60%, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm 15 – 20%.
Việc NK máy nông nghiệp cũng được cho là ngày càng dễ dàng hơn khi cách đây hơn một năm, mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp đã không còn thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi NK.
Máy nông nghiệp NK chủ yếu từ thị trường Trung Quốc |
Khối nội lo đầu ra
Điều này càng gia tăng thêm áp lực cạnh tranh với các DN máy nông nghiệp trong nước. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hoạt động sản xuất máy nông nghiệp của các DN nội đa phần có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết tổ chức sản xuất, động cơ công suất nhỏ, chất lượng không cao.
Đặc biệt, năng lực công nghiệp hỗ trợ tạo ra các linh phụ kiện cung ứng cho các sản phẩm máy nông nghiệp ở trong nước còn yếu, vẫn ở quy mô nhỏ và vừa.
Gần đây, lĩnh vực máy nông nghiệp nội địa cũng bắt đầu có điểm sáng khi một “đầu tàu” trong ngành cơ khí Việt là CTCP Trường Hải (Thaco) đã đầu tư mạnh vào mảng cơ khí nông nghiệp. DN này đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) với công suất thiết kế 2.000 máy kéo, 1.000 máy gặt đập liên hợp và 3.000 bộ thiết bị canh tác/năm.
Trước việc thâu tóm thị phần máy nông nghiệp của khối ngoại, các sản phẩm máy nông nghiệp của Thaco đưa ra mục tiêu trong 7 năm tới sẽ chiếm 38% thị phần với riêng sản phẩm máy kéo.
Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thị trường trọng điểm xuất khẩu là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, số DN lớn trong nước đầu tư vào mảng máy công nghiệp với quy mô lớn chưa phải là nhiều. Vì vậy, để sản phẩm máy nông nghiệp Việt chiếm thị phần đáng kể trên thị trường nội địa là cả một bài toán nan giải.
Thực tế, khó khăn lớn nhất với các DN sản xuất máy nông nghiệp trong nước vẫn là sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc và hàng trốn thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái…
Đáng chú ý là những loại máy nông nghiệp nhập lậu có chất lượng thấp nhưng giá bán cũng rất thấp lại dễ “dụ” người nông dân bỏ mức tiền nhỏ ra đầu tư.
Mặt khác, bản thân các DN cơ khí nông nghiệp nội vừa phải sản xuất với chi phí ngày càng cao, vừa phải chật vật lo đầu ra, lo phát triển thị trường. Một số DN cho biết nếu bán sản phẩm với giá thấp thì lợi nhuận sẽ rất thấp, thậm chí lỗ, dẫn đến thiếu kinh phí phát triển thị trường.
Trong khi đó, chính sách thúc đẩy ngành cơ khí nông nghiệp tuy có từ lâu nhưng việc triển khai trong thực tế còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả.
Thế Vinh