Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Đến thời điểm này, nếu chúng ta vẫn giới thiệu về nguồn lao động Việt Nam với những đặc điểm của hàng chục năm trước như đông đảo, giá rẻ, siêng năng,… e không còn phù hợp. Hay nói chính xác hơn, những đặc điểm này chỉ còn hữu dụng trong 5 – 10 năm nữa, đặc biệt với ngành dệt may. Khi các ngành nghề càng ngày càng tự động hóa cao, thay đổi liên tục về công nghệ, ưu điểm lao động rẻ sẽ lỗi thời".
"Giá rẻ" không là lợi thế
Một trong những lợi thế thu hút vốn FDI vào Việt Nam đó là chi phí sản xuất thấp với nhân công giá rẻ. Song theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, "lao động rẻ" không còn là sự hấp dẫn để thu hút đầu tư vì các nhà đầu tư nước ngoài hầu như có thể sử dụng lao động với chất lượng cao hơn tại nước sở tại của mình để cạnh tranh.
Công cuộc tìm kiếm các điểm chế tạo chi phí thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm 90 của thế kỷ trước (Trung Quốc như là công xưởng của thế giới). Giờ đây, các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm có thể giúp họ tiếp cận với nhân tài và sáng tạo.
Các nước chế tạo chi phí thấp mới (như Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh) sẽ cạnh tranh về chi phí nhân công và sẽ ngày càng làm suy giảm thị phần chế tạo chi phí thấp của Việt Nam.
Trên thực tế, theo thống kê, chi phí nhân công chế tạo của Việt Nam chưa bằng một nửa của Trung Quốc nhưng lại cao hơn nhiều so với chi phí nhân công của Campuchia, Myanmar hay Sri Lanka. Do đó, Việt Nam phải đối mặt với việc không cạnh tranh được với các hoạt động sản xuất giá trị gia tăng thấp mà cũng không đáp ứng được yêu cầu của những hoạt động sản xuất giá trị gia tăng cao.
![]() |
Chi phí nhân công của Việt Nam rẻ nhưng nguồn nhân lực Việt Nam lại thiếu kỹ năng.
Trong bối cảnh gia nhập TPP, theo các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh trong lao động giá rẻ nhưng cần xem xét chuyển đổi vì khi gia nhập TPP, có thể thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng, dẫn đến chi phí lao động tăng và như thế, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các nước khác như Lào, Campuchia để tận dụng lao động giá rẻ tại đây.
Bên cạnh đó, thời gian qua, FDI vào Việt Nam không tạo được tác động lan tỏa như mong đợi đối với nền kinh tế trong nước. Vốn FDI của Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm và góp phần tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi ích đối với nền kinh tế trong nước như tăng kỹ năng, tăng lương và cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Trong khi đó, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực ngày càng lớn. Năm 2013, năng suất lao động (theo lao động và theo giờ) của Việt Nam đều bằng 1/2 của Philippnes, 1/3 của Thái Lan và Indonesia, 1/6 của Malaysia và 1/5 của Singapore.
Số liệu của Tổ chức Năng suất Châu Á cũng chỉ ra rằng từ năm 1990 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư, trong khi năng suất lao động không được cải thiện nhiều, điều này được thể hiện qua chỉ số ICOR có xu hướng tăng liên tục qua các năm trong khi đóng góp của TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) vào tăng trưởng GDP không ổn định và giảm nhiều so với những năm 1990.
"Đói" nhân lực chất lượng cao
Ts. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng xét về số lượng, Việt Nam có lợi thế về lao động, tuy nhiên chất lượng lao động thông qua trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cho thấy đây là vấn đề đáng lo ngại.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2013, trong tổng số hơn 58,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước chỉ gần 10,42 triệu người đã được đào tạo, chiếm 17,9%.
Đồng thời, theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 của VCCI, hiệu quả sử dụng lao động trong giai đoạn 2007-2012 đã suy giảm đáng kể (từ 17,4 lần xuống còn 14,9 lần) ở cả 3 khu vực doanh nghiệp.
Đặc biệt, hiệu suất sử dụng lao động đã giảm mạnh vào năm 2012 (-11%), chủ yếu do doanh thu bình quân trên một lao động chỉ tăng 2,65%, nhưng số tiền phải trả cho người lao động vẫn tăng với tốc độ cao hơn nhiều (15,3%). Đây là một sức ép cho các DN muốn nâng cao sức cạnh tranh.
Chi phí nhân công của Việt Nam rẻ nhưng nguồn nhân lực Việt Nam lại thiếu kỹ năng. Theo điều tra, nếu các công ty quốc tế muốn đào tạo người lao động thì tính trung thành của người lao động Việt Nam vẫn thấp và sự trì trệ lại cao. Nếu không cải thiện được tình trạng trên, Việt Nam muốn thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng tốt hơn thì cũng khó có khả năng thu được nhiều lợi ích với lực lượng lao động không tinh nhuệ.
PGs.Ts. Hoàng Sỹ Động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: "DN FDI khai thác lợi thế về chính sách miễn thuế, lao động đơn giản có kỹ năng, với lương thấp. Tuy nhiên, theo thời gian, DN FDI cũng sẽ phải đóng thuế, trả lương cao hơn cho người lao động. Trong khi đó, kỹ sư công nghệ và quản trị cao cấp Việt Nam rất thiếu".
Ông Attsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng JETRO Hà Nội, cho biết, theo kết quả điều tra vào năm 2013, có trên 60% doanh nghiệp chỉ ra vấn đề về việc tăng chi phí nhân công, khó khăn về việc cung ứng tại chỗ nguyên vật liệu và linh kiện, sự phức tạp các thủ tục thông quan, và điều này đang trở thành rào cản trong kinh doanh.
Điều này cho thấy rằng Việt Nam hiện nay đang đứng trước các thách thức lớn như giá trị gia tăng thấp, mất dần lợi thế cạnh tranh, dẫn đến cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài cùng thua ngay tại nơi có tiềm năng, lợi thế hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tận dụng lợi thế lao động giá rẻ khi bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế so sánh này mà sẽ dần dần cải thiện lao động thành nguồn lao động tay nghề cao hơn. Vì vậy, Việt Nam không chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư mà trong kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế ------------------------------- Các nhà đầu tư nước ngoài có mãi khai thác thị trường Việt Nam khi nền kinh tế trong nước cứ lùi dần? Đến một lúc nào đó, nền kinh tế nội địa quá thấp kém, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi tìm nơi khác để đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nhìn Việt Nam như một thị trường lớn để phát triển chứ không chỉ nhìn như một cứ điểm giá rẻ. Lợi thế giá rẻ rồi sẽ biến mất trong tương lai nếu không tìm ra cách tăng lợi thế của mình lên. Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề ------------------------------- Việt Nam muốn chủ động trong cuộc chơi hội nhập, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. Các DN vào Việt Nam sẽ đưa công nghệ sản xuất hiện đại, lao động chất lượng cao, trong bối cảnh này, năng suất lao động chính là chìa khóa. Do vậy, với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tiệm cận khu vực và thế giới, Tổng cục Dạy nghề đang nỗ lực triển khai đồng bộ các chương trình theo Đề án 371 về chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế. |
Lê Thúy