Thị trường sữa nước có đến hàng trăm chủng loại, mẫu mã sản phẩm được các hãng sữa cung cấp ra thị trường. Song, có một thực tế là rất ít người tiêu dùng chú ý đến chất lượng, nguồn gốc và tên gọi các sản phẩm này. Lý do chính mà các hãng "đặt tên" cho các sản phẩm này là đều gắn với hai chữ "tiệt trùng".
Sữa bột hoàn nguyên cũng là sữa tươi?
Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh trên thị trường sữa nước (loại trừ các sản phẩm sữa chua uống hay thức uống bổ sung), bao bì sản phẩm hiện tồn tại hao loại chính gồm "sữa tươi tiệt trùng" và "sữa tiệt trùng". Trong đó, trên vỏ nhãn bao bì các sản phẩm "sữa tươi tiệt trùng", thành phần sẽ bao gồm sữa bò tươi và các chất phụ gia thực phẩm khác; đối với "sữa tiệt trùng" các thành phần thường có sữa tươi, sữa bột và nước cùng các phụ gia thực phẩm.
Như vậy, có thể thấy sự khác biệt giữa hai loại sữa trên chính là thành phần của sản phẩm. Trong khi "sữa tươi tiệt trùng" là những sản phẩm có nguyên liệu hoàn toàn bằng sữa tươi được vắt ra từ con bò sữa và chế biến để tăng thời gian bảo quản, thì thành phần nguyên liệu chủ yếu của các sản phẩm "sữa tiệt trùng" là sữa bột, được pha chế thành dạng lỏng. Như vậy, thực chất của các sản phẩm "sữa tiệt trùng" chính là "sữa hoàn nguyên" hay "sữa pha lại", một khái niệm được nêu ra trong Tiêu chuẩn chung về sử dụng các thuật ngữ về sữa do Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế quy định.
Trong cuộc họp mới đây về "Quyền được thông tin của người tiêu dùng", bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã phân biệt rõ khái niệm "sữa tươi" với các loại sữa khác.
Theo đó, "sữa tươi tiệt trùng" là sữa có 100% thành phần nguyên liệu được làm từ sữa bò tươi nguyên chất, nên bất kỳ sản phẩm sữa nước nào dù chỉ có 2% thành phần là sữa bột, cũng không được gọi là sữa tươi.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm khác sữa tươi, thì vị đại diện của Bộ Y tế lại đưa ra một cách gọi "na ná" giống như cách gọi của sữa tươi, là "sữa tiệt trùng" – một tên gọi được các DN sử dụng cho phần lớn các sản phẩm mà nguyên liệu chính là sữa bột pha lại.
Lý giải vì sao tên gọi các sản phẩm sữa bột pha lại của Việt Nam không theo quy chuẩn chung của Codex, bà Nga cho rằng do đặc thù của Việt Nam, khi các DN có thể sử dụng một phần sữa tươi, kèm sữa bột, hoặc chỉ sử dụng sữa bột cho các dòng sản phẩm.
Trong khi đó, định nghĩa của Codex chỉ giới hạn với sữa bột pha lại, nên việc sử dụng tên gọi "sữa hoàn nguyên" theo Codex là không phù hợp, nên quy định của Việt Nam đưa ra nhóm "sữa tiệt trùng" để chỉ các sản phẩm không có thành phần 100% sữa tươi.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, tên gọi cũng chỉ là khái niệm được quy định, vấn đề là cách truyền thông, tuyên truyền cho người tiêu dùng biết về sản phẩm.
"Đánh tráo" khái niệm, DN hời?
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, nguyên nhân dẫn đến những tranh luận về tên gọi của các sản phẩm sữa nước, là do việc thực hiện ghi nhãn chưa rõ ràng.
"Quy định thành phần định lượng, sữa này là sữa gì, 98% sữa bột và 2% là sữa tươi, hoặc 100% sữa tươi vắt từ ra con bò, cần phải rõ ràng. Hiện các DN thực hiện ghi nhãn đúng quy định của pháp luật, nhưng ghi nhãn không nghiêm, nên yêu cầu DN phải lành mạnh vấn đề này", ông Tuấn đánh giá.
Ở góc độ dinh dưỡng, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng sữa tươi sạch là tốt nhất với sức khoẻ con người. Sữa bột cũng mang lại lợi ích, song tuỳ từng chủng loại, được bổ sung vi chất hay không và phù hợp với đối tượng nào, nhưng cũng không tốt bằng sữa tươi.
Những phương pháp như thanh trùng hay tiệt trùng chỉ là công nghệ chế biến để đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm, nên bà Hợp cho rằng việc gọi tên là "sữa tiệt trùng" đang khiến cho người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sữa tươi, đâu là sữa pha lại, sữa bột.
Trở lại khảo sát của Thời báo Kinh doanh, hầu hết các sản phẩm có tên gọi "sữa tiệt trùng" đều ghi một công thức chung bao gồm, sữa bột, nước, đường, các chất bổ sung, hoặc có sản phẩm thêm thành phần sữa tươi.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hầu hết các sản phẩm này đều không ghi rõ cơ cấu thành phần nguyên liệu (bao nhiêu phần trăm sữa tươi và bao nhiêu phần trăm sữa bột). Trong khi đó, giá của các sản phẩm này đều "xêm xêm" nhau và không có sự chênh lệch đáng kể.
Dẫn chứng, với một vỉ sữa tươi 100% Vinamilk 4 hộp, có giá 25.800 đồng, sữa tiệt trùng Vinamilk: 24.300 đồng; sữa tiệt trùng của Dutch Lady: 29.000 đồng; sữa tươi Ba Vì: 27.900 đồng.
Hoặc một hộp sữa tươi của TH true Milk thể tích 1 lít có giá 31.000 đồng; sữa tươi 100% của Vinamilk là 28.500 đồng thì sữa tiệt trùng của Dutch Lady có giá lên tới 30.300 đồng.
Trong khi đó, diễn biến giá sữa nguyên liệu thời gian qua đã giảm mạnh, có thời điểm giảm hơn 40% so với lúc cao điểm, và chỉ bắt đầu tăng nhẹ trở lại vào đầu năm nay. Với nguồn cung sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, việc giá nguyên liệu sữa bột thế giới giảm sâu giúp cho các DN có các dòng "sữa tiệt trùng" được hưởng lợi lớn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cách gọi tên hiện nay của các hãng sữa đang khiến cho người tiêu dùng lúng túng. Quy định hiện hành cũng không đưa ra yêu cầu DN phải ghi rõ cơ cấu thành phần nguyên liệu đối với các sản phẩm "sữa tiệt trùng".
Lợi dụng điều này, các DN chỉ ghi "chung chung" các thành phần, còn thực chất tỷ lệ nguyên liệu pha chế thế nào, thì người tiêu dùng cũng… "mù tịt". Chưa kể, các quy định cũng chưa yêu cầu DN ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sử dụng với địa chỉ cụ thể – vốn là yếu tố nhạy cảm liên quan đến sức khoẻ con người.
Với một thị trường sữa nước có quy mô lên đến hơn 2 tỷ lít, với giá trị hơn 1 tỷ USD, liệu những kẽ hở trong quy định hiện hành đang tạo lợi thế cho không ít DN có sản phẩm "sữa tiệt trùng" hưởng lợi?
Và liệu, người tiêu dùng có đang bị "đánh lừa" bởi những khái niệm "nhập nhèm", "mập mờ", không những bị "móc túi" không thương tiếc", mà còn đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn về sức khoẻ khi sử dụng các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng |
Minh Ngọc