Tại Hội nghị Công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững diễn ra ngày 23/6, ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau với khoảng hơn 78.640 lao động tham gia sản xuất muối, trong đó hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Tổng sản lượng muối bình quân của cả nước trong 5 năm gần đây đạt trên 900.000 tấn/năm. Năng suất lao động trung bình khoảng 15 tấn/người/năm.
Muối ngoại "lấn" muối nội
Theo ông Khanh, hiện ngành muối đang đứng trước nhiều thách thức: việc làm, thu nhập của diêm dân ngày càng khó khăn hơn do sản xuất thủ công, năng suất thấp. Hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA vừa ký giữa Việt Nam và các nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, và thu nhập của người làm muối, phần lớn là các hộ nghèo ở nông thôn. Xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành muối, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ muối, tác động tiêu cục đến cuộc sống của người sản xuất. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên nước biển diễn biến phức tạp và thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất muối.
Mùa vụ sản xuất muối bị thu hẹp do khí hậu, thời tiết bất thường, thời gian mùa khô rút ngắn lại, mưa trái vụ… gây thiệt hại đáng kể cho diêm dân. Tổn thất sau thu hoạch tăng do phần lớn muối thô được bảo quản tại các kho tạm xây dựng ngay tại đồng muối bằng vật liệu không chắc chắn, dễ hỏng.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn của ngành muối là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm này, lượng muối còn tồn kho khoảng 600.000 tấn, nhiều gấp 4 lần so với cả năm 2014.
Theo bà Trần Thị Bình, Giám đốc Công ty CP muối và thương mại Nam Định, muối có vai trò rất lớn cho sự phát triển thực phẩm, công nghiệp. Từ khi chuyển đổi từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường, ngành muối thiếu hẳn sự quan tâm của Nhà nước, thiếu định hướng quy hoạch, toàn bộ ngành muối bị phá vỡ. Trước đây, Nam Định có khoảng 220.00 ha sản xuất muối , nay chỉ còn 400 ha, diêm dân khó khăn bươn chải khắp nơi sinh sống.
Sản phẩm của ngành muối được chia làm 2 loại: muối nước (dùng cho sản xuất công nghiệp) và muối cát (dùng cho thực phẩm). Muối cát có hàm lượng NaCl (natri clorua) khoảng 82%, muối nước hàm lượng này là 98-99%.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay có một lượng lớn muối công nghiệp được dùng cho thực phẩm. Việc sử dụng các loại muối công nghiệp vào thực phẩm khiến các bệnh về chuyển hóa như tim mạch, huyết áp gia tăng.
![]() |
Chính việc sử dụng sai mục đích này không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến mất cân đối cung cầu ngành muối. Bên cạnh đó, trong khi muối trong nước dư thừa, muối nước ngoài lại nhập về lượng lớn vào đúng vụ sản xuất trong nước, khiến ngành muối đã khó nay càng khó hơn.
Ông Bùi Thế Cường, chuyên viên Cục hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay nhiều nhà máy sản xuất hóa chất sút, sô đa sử dụng muối công nghiệp. Dự kiến năm 2020, khi ngành công nghiệp hóa chất có thêm nhiều dự án sản xuất sút, lượng muối công nghiệp tiêu thụ sẽ vào khoảng 900.000 ngàn tấn/năm. Hàng năm các DN vẫn phải nhập lượng lớn muối công nghiệp về sản xuất do chất lượng muối trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của DN hóa chất.
Đại diện Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản Hải Phòng cho rằng khó khăn lớn của ngành muối hiện nay là khó cạnh tranh với muối nhập ngoại. Trong khi giá bán 1 kg muối tại Hải Phòng là 2.500 đồng/kg thì giá muối nhập khẩu từ Ấn Độ, Pakistan với chất lượng tương đối ổn định, đạt khoảng 97-98%, có giá bán tại cảng rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 1.500-1.600 đồng/kg.
Sớm thành lập Hiệp hội ngành muối
Trước thực trạng khó khăn của ngành muối, ngày 4/5/2015 Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành muối theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích muối ổn định 14.500ha, sản lượng 2 triệu tấn, trong đó, muối công nghiệp là 8.000ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn. Chất lượng muối đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, sản phẩm muối có đặc thù riêng, là mặt hàng nhạy cảm, mặt hàng thiết yếu và có sự điều chỉnh giá của Nhà nước. Muối cũng luôn là mặt hàng dự trữ quốc gia. Mặt khác, người lao động ở các vùng ven biển nghèo, nên tái cơ cấu với muối không những phải nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà còn phải quan tâm đến lợi ích đời sống của nông dân. Năm nay, các tỉnh duyên hải Nam trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa tập trung sản muối nhưng thời điểm này, giá muối lại xuống thấp.
Để thực hiện tái cơ cấu ngành muối, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung triển khai cụ thể kế hoạch hành động của Bộ, trong đó có quy hoạch muối giao cho Cục chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối tiếp tục tham mưu cho Bộ NN&PTNT, soạn thảo Nghị định sản xuất kinh doanh muối, làm rõ quản lý chất lượng, phân biệt muối ăn và muối công nghiệp, từ đó đưa ra cơ chế chính sách, tiêu chuẩn khác nhau…
Đồng thời, Bộ đang xây dựng Nghị định để tạo ra những cơ chế đột phát trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho DN liên kết tốt với vùng nguyên liệu và hỗ trợ DN xuất khẩu.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối phối hợp cùng Viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng, đặc biệt là muối ăn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và muối công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà máy.
Thứ trưởng Tám nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội ngành hàng và đề nghị các DN sớm thúc đẩy hình thành Hiệp hội ngành hàng Sản xuất và kinh doanh muối. Hiệp hội có vai trò nói lên tiếng nói của người sản xuất và kinh doanh, làm cầu nối với Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và DN.
Thứ trưởng Tám cũng giao cho Viện cơ điện và các cơ quan nghiên cứu, bám sát thực hiện, làm sao có nhiều đề tài và sản phẩm khoa học, giảm giá thành, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành muối.
Tại sao giá muối nhập về Việt Nam lại thấp hơn giá thành sản xuất muối trong nước? Cơ quan nghiên cứu nhà nước phải có trách nhiệm sớm có giải pháp hạ giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Năng Nhượng, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) ------------------------------- Sản xuất muối là nghề nặng nhọc nhưng hiện nhân lực toàn người già và phụ nữ, thanh niên đã đi nơi khác làm ăn hết. Ngành muối bao năm qua chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức, hỗ trợ khoa học công nghệ còn rất ít. Cơ giới hóa ứng dụng công nghệ trong sản xuất muối không đơn giản vì các đồng muối có đặc điểm phân tán, nhỏ lẻ. Nhà nước cần sớm có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho ngành muối. |
Thu Hường