Cho dù cây trồng biến đổi gen (GMO) vẫn trong giai đoạn khảo nghiệm để chờ cấp phép gieo trồng, nhưng thị trường lương thực - thực phẩm của Việt Nam đã xuất hiện một số thực phẩm GMO.
Cây trồng chuyển gen đang được tạo ra ngày nay mới chỉ là sử dụng công nghệ thô, chưa có độ chính xác cao. Nó có thể tạo ra các độc tố hoặc các chất gây dị ứng trong thực phẩm và ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Trên 75% cây trồng GMO được tạo ra để kháng với việc phun thuốc diệt cỏ, dẫn tới sự lây lan của các loài siêu cỏ kháng thuốc…
Theo các chuyên gia, các thực phẩm GMO đang vào thị trường Việt Nam qua các con đường nhập khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch nhưng không công khai, nên khó bị quản lý.
Thực phẩm GMO đã có trong một số thức ăn hàng ngày, như: các loại bánh làm bằng bột mì; dầu ăn làm bằng bắp, đậu tương, canola, đậu nành; cà chua; chất mù tạt…
Một trong những loại lương thực GMO đang được quảng bá rầm rộ trên thế giới cũng đã âm thầm có mặt trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm qua là "Gạo vàng" (Golden Rice - GR). "Gạo vàng" là gạo GMO với khả năng sản xuất beta-carotene (tiền chất của vitamin A). Loại gạo này có màu vàng nhạt - màu sắc của carotenoid (một dạng sắc tố hữu cơ thực vật tự nhiên).
Quảng bá rầm rộ
Giống lúa "gạo vàng" được tạo ra bằng cách chèn 3 gen từ cây trồng khác (1 gen từ vi khuẩn và 2 gen còn lại từ cây thủy tiên hoa vàng) vào trong bộ gen cây lúa. Mặc dù có hàm lượng beta-carotene không cao, nhưng "gạo vàng" lại được quảng bá rầm rộ rằng là một giải pháp cho những người bị mù do thiếu Vitamin A (Vitamin A tốt cho hệ thống miễn dịch, khả năng sinh sản, và làn da khỏe mạnh. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến khô mắt và bệnh mù vào đêm, cả hai đều lần lượt có thể dẫn đến mù thật sự trong trường hợp nặng).
Mạng lưới về "gạo vàng" (Golden Rice Network) có trụ sở tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã chuyển giao giống và kỹ thuật tạo giống "gạo vàng" cho mạng lưới nhiều cơ quan nghiên cứu, như: Viện Nghiên cứu lúa Philippines (Philippines); Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam); Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, Đại học Delhi South Campus (Ấn Độ)… Hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Trung Quốc và Việt Nam cũng có những hoạt động cho sự phát triển "gạo vàng". Đặc biệt, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ứng dụng kỹ thuật gen tạo thành công giống lúa "gạo vàng", đang trong quá trình khảo nghiệm với mục đích đưa vào sản xuất ở vùng sâu, vùng xa - những nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao.
Theo Ts. Michael Hansen - Cán bộ cao cấp của Mạng lưới hành động về thuốc bảo vệ thực vật châu Á-Thái Bình Dương (PAN-AP), vào năm 2011, 2 nhà khoa học là Aris và Leblan đã phát hiện độc tố gen "gạo vàng" trong mẫu máu lấy từ các bà mẹ mang thai và máu của những phụ nữ không mang thai, đã cho thấy rằng các chất độc này không thực sự được bài tiết ra khỏi cơ thể con người: "Phát hiện này cho thấy nguy cơ cao về sức khỏe của "gạo vàng". Việc canh tác giống lúa GMO này còn nguy cơ tiềm tàng đối với sự thay đổi sinh thái môi trường. Lúa là loài tự thụ phấn, các nhà chọn giống vẫn tin tưởng rằng cây lúa có khả năng lai xa 10% với các giống lúa khác".
Ts. Michael Hansen cho rằng để tăng vitamin A cho cơ thể, không nhất thiết phải sử dụng lương thực "gạo vàng", vì còn nhiều loại thực phẩm phổ biến có chứa hàm lượng dẫn chất vitamin A cao, như: cà rốt, các loại rau cải bó xôi, cải xoan, cà chua, ớt đỏ, đậu Hà Lan, bắp cải, bông cải xanh, lá củ cải, bạc hà, lá cây đay, cây cải ngựa, lá colocasia…, nhiều loại trái cây có lượng beta-carotene cao, như: mít, trái bơ, cam, dưa hấu, đào, mơ.
Vitamin A cũng có trong các sản phẩm động vật như trứng, thịt, sữa, pho mát, kem, gan, thận, cá thu, dầu cá. Thời gian gần đây, sự chống đối với "gạo vàng" ở Philippines đã trở nên mạnh mẽ. Liên minh "Nói không với GMOs" đang tích cực vận động để ngăn chặn "gạo vàng" thông qua các diễn đàn khác nhau. Nông dân ở Bangladesh cũng đã tổ chức nhiều cuộc phản đối ở cấp địa phương và cấp quốc gia để chống lại "gạo vàng".
Cẩn trọng "biến đổi"
Ts. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) gạo, nên chủ trương sẽ không cho trồng cây lúa GMO ở những vùng lúa XK. Hiện Việt Nam mới chỉ cho phép khảo nghiệm các loại cây ngô, bông, đậu tương GMO. Sau gần 3 năm với 1 lần được khảo nghiệm trên diện hẹp và 2 lần khảo nghiệm diện rộng, các giống ngô GMO tại các vùng miền sinh thái khác nhau, hiện Hội đồng An toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chuẩn bị công nhận các giống ngô GMO. Hồ sơ các giống ngô GMO cũng đã được chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét để cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các giống này. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về an toàn thức ăn chăn nuôi và an toàn sức khỏe con người để làm căn cứ để Chính phủ cho phép đưa cây trồng GMO vào sản xuất.
Tại Hội thảo "Xóa tan màn sương - những điều cần biết về thực phẩm GMO" vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia quốc tế khuyên Việt Nam cần thận trọng với cây trồng GMO, cần đánh giá kỹ càng trước khi cho phép gieo trồng đại trà.
Bà Clare Westwood - Chuyên gia của PAN-AP, cho biết vào tháng 6/2012, một báo cáo mang tên "GMO: huyền thoại và sự thật", khảo sát dựa trên những bằng chứng của những tuyên bố về an toàn và hiệu quả của cây trồng GMO đã được công bố bởi 2 nhà khoa học người Anh là Michael Antoniou và Claire Robinson, đã chỉ ra nhiều bằng chứng khoa học có căn cứ chính xác về mối nguy hại cho sức khỏe và môi trường được đặt ra cho cây trồng và sinh vật GMO. Theo đó, cây trồng chuyển gen đang được tạo ra ngày nay mới chỉ là sử dụng công nghệ thô, chưa có độ chính xác cao. Nó có thể tạo ra các độc tố hoặc các chất gây dị ứng trong thực phẩm và ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Trên 75% cây trồng GMO được tạo ra để kháng với việc phun thuốc diệt cỏ, dẫn tới sự lây lan của các loài siêu cỏ kháng thuốc…
Ts. Michael Hansen nhận xét: "Cây trồng GMO được xúc tiến dựa trên những tuyên bố tham vọng rằng nó an toàn khi ăn, tăng năng suất và sản lượng lương thực, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có lợi cho môi trường và là giải pháp tối ưu để giải quyết nạn đói trên toàn cầu. Nhưng thực tế, ngành công nghiệp cây trồng GMO đang cố gắng thay đổi nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta một cách sâu rộng theo các cách đầy nguy hiểm!".
Thu Hường