Theo Tổng cục Hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016 đã được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế như WTO, Hiệp định TPP…
Đột phá trong Luật thuế
Hầu hết các diễn giả tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016 đều cho rằng đây là bước đột phá trong cải cách luật thuế xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia ngành hải quan, ưu điểm của dự thảo nghị định là tập trung đề cập vào các nhóm vấn đề: miễn thuế và thủ tục miễn thuế, hoàn thuế. Trong đó, có bước đột phá mới là nguyên liệu vật tư sản xuất xuất khẩu sẽ được chuyển từ hoàn thuế sang miễn thuế.
Theo quy định hiện nay, hàng hóa nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu, nhưng DN nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất hàng xuất khẩu thì thường phải nộp thuế nhập khẩu ngay, và sau khi xuất hàng thì sẽ làm hồ sơ xin hoàn thuế.
Cụ thể, khi nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất xuất khẩu, một số DN được hưởng ân hạn thuế 275 ngày. Nếu trong thời gian trên, DN xuất hết lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng xuất khẩu thì sẽ làm bộ hồ sơ xin không thu thuế. Nếu không xuất hết phần nguyên phụ liệu đã nhập sau 275 ngày, thì DN phải tạm nộp thuế cho nhà nước; và đến khi xuất tiếp phần nguyên liệu này, DN phải làm hồ sơ xin hoàn thuế.
Cũng theo quy định hiện hành, đối với những DN không được hưởng ân hạn thuế 275 ngày phải nộp tiền thuế nhập khẩu ngay hoặc phải có ngân hàng bảo lãnh cho số tiền (nợ) thuế này. Đến khi nguyên phụ liệu này được dùng để sản xuất hàng hóa và xuất đi, DN phải làm bộ hồ sơ xin không thu thuế (đối với trường hợp có ngân hàng bảo lãnh) hoặc phải làm bộ hồ sơ xin hoàn thuế (đối với trường hợp DN đã nộp thuế).
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Về bản chất kinh tế thì hai trường hợp này giống nhau, đều là hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK, không tiêu dùng tại Việt Nam, nhưng chế độ thuế, chế độ quản lý hải quan áp dụng khác nhau. Do đó, ông Hòe cho rằng luật sửa đổi sẽ giúp DN giảm gánh nặng thủ tục, cũng như bớt chi phí, thời gian và công sức.
Đồng thuận với cải cách này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phát biểu: việc miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu mang lại lợi ích rất nhiều cho DN, tháo gỡ nhiều thủ tục phức tạp.
“Trong bối cảnh hội nhập, luật thuế sửa đổi sẽ là “bàn đạp” giúp các DN mở rộng thị trường, khuyến khích các DN dệt may tìm các biện pháp để tăng đơn hàng FOB thay vì phần lớn là gia công đơn thuần như hiện nay”, bà Dung khẳng định.
Luật sửa đổi sẽ giúp DN giảm gánh nặng thủ tục, cũng như bớt chi phí, thời gian và công sức
Lo khó thực hiện
Hầu hết đều đồng tình với việc với thủ tục được miễn thuế nêu trong dự thảo nghị định. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn một số vướng mắc bất cập khiến luật sẽ khó thực hiện; Ban soạn thảo cần đơn giản hóa khâu này. Trong đó, nhiều DN kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về xác định số thuế được miễn.
Ông Hoè nêu: “Điều 30 của nghị định quy định thủ tục miễn thuế đối với trường hợp không phải thông báo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế; người nộp thuế phải tự tính, khai số tiền thuế được miễn cho từng mặt hàng, tờ khai hải quan như đối với trường hợp phải nộp thuế. Cơ quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, số tiền thuế đề nghị miễn, đối chiếu với các quy định hiện hành để làm thủ tục miễn thuế cho từng tờ khai hải quan theo quy định…”.
“Quy định này không loại trừ hàng hóa sản xuất hàng xuất khẩu là không hợp lý. Nếu như thực hiện thủ tục miễn thuế này thì DN khó thực hiện hơn và tốn nhiều chi phí hơn hiện nay. Khi đó, DN lại phải thực hiện hàng loạt công đoạn kê khai tính thuế, làm thủ tục miễn thuế cho từng tờ khai với cơ quan hải quan trước khi thông quan…”, ông Hoè nói.
Bên cạnh đó, ông Hoè cũng cho rằng luật sửa đổi nên quy định việc miễn thuế này phải được áp dụng từ khâu thông quan, để doanh nghiệp không phải làm các thủ tục hoàn thuế nhập khẩu sau khi xuất khẩu.
Liên quan đến việc miễn thuế, đại diện Cục hải quan Bắc Ninh cho rằng quy định về các đối tượng được miễn thuế phải có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nhà xưởng, máy móc và nguyên vật liệu nhập khẩu phải phù hợp với ngành nghề sản xuất… còn chung chung, sẽ khó cho cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát. Do đó, cần làm rõ điều kiện cở sơ sản xuất và máy móc hợp pháp của doanh nghiệp để được miễn thuế.
Thanh Hoa
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam Bên cạnh việc khuyến khích DN xuất khẩu bằng cách miễn thuế vật tư nhập vào để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng nên có chính sách tốt để khuyến khích mua nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Chẳng hạn như nên giãn thời gian nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi DN phải sử dụng nhiều nguyên liệu sản xuất trong nước. Ông Đặng Hoàng Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Trong thời gian tới, khi các Hiệp định thương mại mới có hiệu lực, thuế suất về 0%, nhiều hàng rào phi thuế quan được nước nhập khẩu dựng lên thì việc hàng hoá xuất khẩu bị trả về có thể sẽ diễn ra thường xuyên. Do đó, ban soạn thảo luật sửa đổi này nên tính toán đến việc xây dựng chính sách chặt chẽ đồng thời chuẩn bị kỹ càng để tháo gỡ khó khăn cho DN trong những trường hợp hàng hóa bị trả về. Bà Nguyễn Thị Thu - Đại diện Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn DN gặp khó trong việc xác định số thuế được miễn và thuế phải nộp. Để thuận tiện cho DN, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc tính toán số thuế được miễn, số thuế phải nộp và hồ sơ, quy trình cụ thể. Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức tại DN và chứng minh định mức trong trường hợp thanh, kiểm tra sau thông quan cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể, giúp DN giảm thiểu các vướng mắc về thủ tục hải quan. |