Ngày 5/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP, trong đó có nội dung thống nhất thông qua dự án Luật Quy hoạch và trình Quốc hội xem xét. Ngày 4/10 Uỷ ban Thường vụ quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Quy hoạch.
Trước đó, Dự án Luật Quy hoạch được nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2010 và đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật quy hoạch theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quy hoạch như “giấy phép con”
Tại tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã đánh giá có không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con” trong thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, DN, cá nhân.
Nghịch lý là ở chỗ tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Trong ba năm 2011 – 2014, “mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập về phê duyệt, năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt. Tuy nhiên, các quy hoạch đa phần chưa có tính liên kết, còn chồng chéo và đầy mâu thuẫn”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Nhiều quy hoạch không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế vẫn được lập hoặc lập nhiều hơn mức quy định như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cấp xã lập 20 quy hoạch; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp vùng lập thêm 65 quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất cấp vùng lập 3 quy hoạch.
Đồng thời, trên cùng một lãnh thổ có nhiều quy hoạch chồng lấn lên nhau. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 13 quy hoạch các loại do cấp Thủ tướng chính phủ phê duyệt và 53 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm cấp tỉnh do chính quyền địa phương phê duyệt, chồng chéo quản lý nhà nước đối với cùng một ngành.
“Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất dược liệu có hai quy hoạch cùng đề cập đến phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, chiết xuất của ngành dược dẫn đến phát triển không thống nhất vì phân bố sản xuất không thống nhất, từ đó đầu tư trùng lặp về vốn, gây khó khăn cho thực hiện”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
![]() |
Muốn thành công cần chấm dứt tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, các ngành
Trong khi đó, chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện quy hoạch, dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả, không khả thi.
Quy hoạch được lập ra không theo kịp sự phát triển của xã hội, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh ngay sau khi phê duyệt, có những quy hoạch được điều chỉnh bổ sung nhiều lần.
Ví dụ: Quy hoạch cảng biển đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 đưa ra dự báo lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển năm 2010 khoảng 200 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển năm 2009 đã đạt 213,08 triệu tấn. Năm 2010, lượng hàng hoá thông qua các cảng biển đạt 259 triệu tấn, vượt 30% so với dự báo.
Lợi ích cục bộ, quy hoạch méo mó
Trước mạng lưới “mạng nhện” quy hoạch trên, Bộ KH&ĐT cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể tới tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn bất cập.
Do ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên các cấp, các ngành chưa có sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của quy hoạch trong nền kinh tế thị trường, còn mang nặng tư tưởng cục bộ từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch và việc ban hành những chính sách liên quan đến công tác quy hoạch.
Trong khi đó, việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất.
Theo Bộ KH&ĐT, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch được ban hành quá nhiều (95 luật, pháp lệnh điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm đã có 72/95 luật, pháp lệnh), song các văn bản này được ban hành ở những thời kỳ khác nhau, do các cơ quan khác nhau đề xuất ban hành một cách độc lập nên không đồng bộ và thiếu nhất quán.
Đồng thời, việc phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch rất phức tạp với nhiều cấp quản lý khác nhau; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế; biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch là những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch.
Điều đặc biệt hơn nữa là quy hoạch nhiều khi không xuất phát từ yếu tố khách quan, mà bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của nhà lãnh đạo với tư duy nhiệm kỳ và sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dẫn đến nhiều công trình, dự án không những thiếu khả thi trong thực tế mà còn gây cản trở tới nhà đầu tư có tiềm năng.
“Những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã gây ra hậu quả là các quy hoạch thiếu thực tế và trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh thông qua các thủ tục hành chính được coi như một giấy phép con để cấp phép đăng ký đầu tư, sản xuất kinh doanh”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch nêu trên. Đồng thời, Luật quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Luật quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ------------------------------- Dự thảo Luật Quy hoạch tiếp cận theo cách làm mới, bằng phương pháp tích hợp. Phương pháp tích hợp không phủ nhận quy hoạch, mà thay vì “mạnh ai nấy làm” như trước đây thì tích hợp theo cấp vùng, cấp quốc gia. Về quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đã làm việc với từng bộ, ngành và có tới hơn 30 cuộc hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện với sự tham gia của nhiều hiệp hội, chuyên gia trong nước và ngoài nước có kinh nghiệm, uy tín. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội ------------------------------- Ts. Nguyễn Quang, Giám đốc CT Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN Habitat) Đề xuất lập ra một hội đồng chuyên trách về lập quy hoạch chịu sự điều hành trực tiếp từ Chính phủ, thành viên hội đồng này bao gồm ba thành phần chính: chính quyền, các bộ ngành, cơ quan nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp và người dân. |
Lê Thuý