Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 11/1, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện Luật Quy hoạch. Mặc dù Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội lần thứ 2 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến thống nhất.
Đặt quyền lợi riêng lên trên
Nói về khó khăn trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kế hoạch (Bộ KH&ĐT), chia sẻ: Là cơ quan tham mưu, trực tiếp làm về xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch trình Chính phủ xem xét, Quốc hội thông qua, tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận thấy tình trạng rất nhiều bộ, ngành vẫn giữ lợi ích, cát cứ trong vấn đề quy hoạch ngành, quy hoạch cấp quốc gia tại Luật Quy hoạch.
“Trong thời gian xây dựng, hoàn chỉnh và lập Dự thảo Luật Quy hoạch, chúng tôi đã làm rất dân chủ, đã đưa vấn đề ra thường trực Chính phủ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đưa vấn đề ra Chính phủ để các bộ trưởng, thứ trưởng thảo luận những vấn đề liên quan đến ngành mình trong Luật Quy hoạch. Vấn đề này được tán đồng rất cao, gần như 100% các bộ trưởng đồng ý”, ông Các nói.
Thế nhưng, theo ông Các, trong quá trình thực hiện, khi đến các bộ, ngành để nhận thông tin về quy hoạch các ngành, nghề và sản phẩm, đa số các bộ đều giữ quyền lợi riêng, không cho tham gia.
“Chúng tôi làm việc rất dân chủ, công khai để Luật Quy hoạch sớm được trình duyệt, tạo nền tảng cho chính sách quản lý các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng cát cứ, giữ lợi ích của các bộ, ngành đang kéo lùi tiến trình này. Các bộ, ngành giữ lấy công việc, không chịu đổi mới, duy trì sự trì trệ và kéo giảm tiến độ cải cách ngành”, ông Các chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch nhấn mạnh: Chính phủ và gần như 100% các ý kiến của thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành đều đồng ý với quan điểm xây dựng Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ không đồng tình, có nhiều ý kiến khác phản đối. Trước đó, ngày 10/1, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo Luật Quy hoạch, hầu hết các bộ ngành như: Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT… đều nêu ra những ý kiến riêng, chưa đồng nhất với dự thảo.
Khi ấy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Thủ tướng đã phê bình các bộ về việc này rất nhiều lần. Bàn chán rồi ra Quốc hội lại nói ngược. Tôi không nghĩ hôm nay, các bộ lại nói lại như thế”.
Theo ông Dũng, trước một thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết bất cập, chắc chắn có động chạm quyền lực, lợi ích của một số cơ quan, một nhóm người nào đó. Cơ quan đó, người đó có thể chưa hiểu hết nên chưa đồng tình, gây nên sự trì trệ, chậm chạp.
Nói phải “củ cải cũng nghe”
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT cho biết hiện quy hoạch của các bộ, ngành và địa phương rất nhiều. Trong 3 năm 2011 – 2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập về phê duyệt, gần nhất năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt. Các quy hoạch đa phần chưa có tính liên kết, còn chồng chéo và đầy mâu thuẫn.
Tính đến hết năm 2014, số lượng quy hoạch do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lập là 12.860 quy hoạch, 87% trong số đó đã được phê duyệt. Năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai 907 quy hoạch, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch.
Về cơ cấu số lượng quy hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội là 800 quy hoạch, quy hoạch xây dựng nhiều nhất với 7.180 (52% tổng số quy hoạch thời kỳ 2011-2020), quy hoạch sử dụng đất hơn 2.250, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm là 3.500 quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin-cho
Theo Bộ KH&ĐT, kế hoạch lập quy hoạch thời kỳ 2011 – 2020, số lượng quy hoạch của các bộ ngành, trung ương và địa phương trên cả nước có gần 19.300 quy hoạch nhưng đến hết năm 2014, các cấp, các ngành mới triển khai được 12.860 quy hoạch (chiếm 67% dự kiến). Như vậy, sau 3 năm, số quy hoạch được lập trên cả nước là gần 4.300 quy hoạch/năm và gần 358 quy hoạch/tháng.
Chỉ đạo vấn đề này, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói: Việc này đưa ra Chính phủ đồng ý nhưng khi đưa ra Thường vụ Quốc hội có vài ý kiến khác.
Thủ tướng nêu rõ đích danh các bộ, ngành giữ lợi ích cục bộ trong quy hoạch ngành là: Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ KH&ĐT chưa thuyết phục tốt, “nói phải củ cải cũng nghe”. Vì vậy, Bộ KH&ĐT “Phải đổi cách làm, đổi mới tư duy. Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết”, Thủ tướng cho biết và lấy ví dụ về khu Giảng Võ (Hà Nội) để nói về tư duy quy hoạch đối với người làm công tác KH&ĐT.
“Nếu như làm 10 cái nhà 50 tầng ở đó thì nói như Bí thư Hoàng Trung Hải, là một thảm họa đang đến với Hà Nội. Chưa làm đã tắc đường thì làm nữa, sẽ đi đường nào. Không phải là cấm nhà cao tầng, mà chính là hạ tầng xung quanh cái khu này như thế nào. Cho nên phải làm hạ tầng thì mới làm nhà cao tầng. Quy hoạch phải theo đúng tiêu chí quy hoạch. Không phải cứ làm nhà cao tầng là không có đường đi”, Thủ tướng nói.
Việc lập kế hoạch, quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin-cho. Lập quy hoạch không thể chỉ khép kín trong nội bộ Bộ KH&ĐT. Thay vào đó, lập kế hoạch phải có sự tham gia hay tối thiểu là vai trò góp ý, phản biện của giới chuyên gia, ý kiến của người dân, các doanh nghiệp, tư nhân và cả nhà đầu tư nước ngoài.
Việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với lợi ích chiến lược dài hạn.
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ Hiện nay tổng vốn đầu tư của Nhà nước vẫn chiếm hơn 37,6%, tức hơn 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, một sự phân bổ sai, kém hiệu quả, sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn, thậm chí, nhiều khi là tai họa cho nền kinh tế mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Bộ KH&ĐT có vai trò tham mưu lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho Chính phủ nên phải ý thức được vinh dự và trách nhiệm này. Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội------------------------------- Luật Quy hoạch rất cần thiết.Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện sớm trình ra Quốc hội. Đồng thời, nên thiết kế theo hướng đây là luật khung, kinh phí ghi rõ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Bộ KH&ĐT cần hoàn thiện nội dung, trình ra hội nghị đại biểu chuyên trách sau Tết. Ông Nguyễn Chí Dũng Về nguyên tắc, Chính phủ bàn rất nhiều, cuối cùng mới bỏ phiếu, đủ điều kiện thì mới trình. Khi đã trình ra đến Quốc hội, các ý kiến không chính thức chỉ để tham khảo. Chính phủ trình ra rồi mà các bộ ngành lại nói trái, nói khác, thì không đúng nguyên tắc. |
Lê Thúy