Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ về dự thảo Luật cho các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các cơ quan báo chí truyền thông. Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2016.
Nhiều nước đã có, Việt Nam vẫn chưa
Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Nếu nhìn vào khoảng thời gian dài hơn từ năm 2005 cho tới nay, khoảng cách giữa các DN đăng ký và DN thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn.
Tuy nhiên, khi tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ giữa các DN đăng ký và DN thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm, tỷ lệ giữa DN đi vào hoạt động so với DN đăng ký trong năm đạt tỷ lệ rất thấp, ví dụ như năm 2009, tỷ lệ này chỉ đạt 35,2% hoặc năm 2012 đạt 32,7%.
![]() |
Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế
“Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005-2008. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ các DN đã đăng ký đi vào hoạt động và duy trì được các hoạt động một cách bền vững và có các đóng góp thực sự cho nền kinh tế và cho xã hội”, Cục Phát triển DN khẳng định.
Ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN (97%-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU)… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV. Trong khi đó, ở Việt Nam, DNNVV vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khi đánh giá về dự thảo này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng luật này là cần thiết, nhiều nước đã có. Nhưng ông Mại lại đặt câu hỏi rằng khi đi vào thực tiễn, luật có đáp ứng được yêu cầu của DN nhỏ và siêu nhỏ?
“Chúng tôi thấy đặc điểm DNNVV của Việt Nam hiện nay nên được phân thành hai loại. Trong đó, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 80%. Theo số vốn đăng ký trung bình 9 tháng đầu năm là 7,5 tỷ đồng/DN thì tiềm lực của DN siêu nhỏ Việt Nam còn yếu. DN vừa có tiềm lực lớn hơn nên không cần thiết hỗ trợ lắm. Theo tôi, luật chỉ nên hướng đến đến hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ”, ông Mại phân tích.
Hỗ trợ DN vừa hay DN nhỏ?
Ông Mại đã chỉ ra hai khó khăn lớn nhất của hai loại DN này. Giai đoạn 2005-2014, tiềm lực trung bình của DN nhỏ và siêu nhỏ càng ngày càng nhỏ hơn. Có người nói do số lượng DN ngày càng nhiều thì nhỏ đi, nhưng ông Mại cho rằng 10 năm qua, do không nắm được tiềm lực DN nhỏ, nên không có định hướng để DN nhỏ và siêu nhỏ nâng dần năng lực của mình lên.
Vì vậy, ông Mại kiến nghị: Để DN nhỏ và siêu nhỏ có lãi thì phải giảm các thuế khác chứ không chỉ thuế thu nhập DN. Ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhiều nước đã áp dụng thuế VAT cho DN nhỏ và siêu nhỏ bằng 50% mức VAT của DN khác. Một số loại khác đánh vào chi phí ban đầu của DN nhỏ và siêu nhỏ cũng cần được ưu đãi.
Thứ hai là tín dụng. Theo ông Mại, luật này thấy hiện đã có điều khoản về tín dụng nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được. Tích lũy vốn ban đầu của DN phụ thuộc vào hai nguồn lực: đất đai và vốn. Song hiện nay, đa số DN phải đi thuê nhà xưởng, chỉ có một số công cụ lao động và một số lao động (khoảng 10-100 người).
Bên cạnh đó, DNNVV đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì quy định về thế chấp tài sản, dù phần lớn nợ xấu chủ yếu là của các DN “đại gia”. DN nhỏ, nhất là DN siêu nhỏ, không có bất động sản để thế chấp hoặc nếu có thì chỉ có thể thế chấp một lần, không đủ để có nguồn vốn.
Vì vậy, “cần mở rộng thế chấp bằng động sản (chứng_từ mua bán, các khoản phải thu, phải trả, sở hữu trí tuệ, thương quyền…) đối với DN nhỏ và siêu nhỏ” – Ts.Nguyễn Mại đề xuất.
Thậm chí, ông Mại đã dẫn ý kiến của một chuyên gia tài chính quốc tế đã từng cảnh báo Ngân hàng Nhà nước rằng “nếu không cứu DN nhỏ và siêu nhỏ bằng quy định thế chấp động sản_thì các DN này không thể lớn lên được”.
Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng Luật này không mâu thuẫn với luật Đấu thầu, luật Thuế hay Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu ngân hàng hiểu đúng, coi DN nhỏ và siêu nhỏ là khách hàng tiềm năng, thì sẽ thấy nợ xấu không phải ở DNNVV mà ở DN lớn – ở đại gia. DN nhỏ sẵn sàng bán nhà để trả nợ nhưng ông lớn gây ra nợ xấu thì thường “bỏ chạy”.
Về băn khoăn của ông Mại là “liệu Luật này đã đáp ứng được DN nhỏ và siêu nhỏ chưa”, ông Đông cho rằng: Theo thông lệ quốc tế, đúng là DN vừa đã khá nhưng họ cần hỗ trợ để bứt lên. Nếu không hỗ trợ DN vừa để họ bứt lên thì không tăng được tầng lớp trung lưu… Đây là hướng phấn đấu của mọi nền kinh tế để không còn những tỷ phú cá nhân giàu lên từ quan hệ, kiểu giàu này là sự bất công của nền kinh tế”.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ------------------------------- Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho DNNVV “vào được”. Mỗi khu công nghiệp cần dành tối thiểu 30% diện tích cho các DNNVV. Thực tế DNNVV đang bị đối xử không công bằng, như trường hợp lãnh đạo một tỉnh gần Hà Nội đã tuyên bố rằng khu công nghiệp của tỉnh “chỉ dành nhà cho đầu tư Hàn Quốc, không cho DN Việt Nam”. Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài Luật này phải giúp DN nhỏ và siêu nhỏ có khả năng tích lũy Nếu ta không giải được bài toán tín dụng ngân hàng và thuế của Nhà nước để hỗ trợ DN thì không làm sao cho DN nhỏ và siêu nhỏ lớn lên được. Tại sao như Samsung được mức thuế ưu đãi 10% cả đời mà DN Việt Nam không được hưởng chế độ ưu đãi cả đời như vậy. Tiếp đó, mối quan hệ giữa ngân hàng và DNNVV là “cộng sinh”, không phải là mối quan hệ “xin cho”. Ngân hàng được quyền huy động vốn của xã hội nên có trách nhiệm cấp lại vốn cho xã hội, nuôi dưỡng nguồn vốn đó để sinh lãi thông qua các gói tín dụng phù hợp với các DNNVV đang rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nhà xưởng… Bà Đặng Thị Điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Thế chấp bằng động sản hay bất động sản có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Hơn nữa, nhận thế chấp bằng loại tài sản nào là do các tổ chức tín dụng quyết định để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, không cơ quan nào được can thiệp theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. |
Lê Thúy