Sáng 6/6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Theo Dự thảo, có 4 nhóm nội dung chính của Luật được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung: quy hoạch phát triển điện lực; giá điện và các loại phí; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điều tiết điện lực và thanh tra ngành điện lực...
Thu hút sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận ở tổ chủ yếu là nội dung về quy hoạch điện, giá điện và các loại phí. Phần đa ý kiến đồng tình với quy định về thời hạn 10 năm đối với quy hoạch điện. Với vấn đề giá điện, nhiều ý kiến đề nghị không nên giao quyền định giá điện cho đơn vị điện lực, bởi cho rằng hiện nay, tính độc quyền trong ngành vẫn rất cao…
Quy hoạch cần dài hơi
Đối với quy hoạch phát triển điện lực, về cơ bản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ. Dự thảo Luật sẽ bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện; chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo…
Tại phiên thảo luận tổ sáng 6/6, rất nhiều đại biểu tỏ thái độ đồng tình với nội dung này của Dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng việc quy hoạch kéo dài 10 năm, định hướng cho 10 năm tiếp theo là hoàn toàn hợp lý: “Quy hoạch phát triển điện lực phải căn cứ vào tình hình phát triển của địa phương. Nếu chỉ lập kế hoạch 5 năm thì sẽ không hiệu quả và khá tốn kém. Có khi chưa đủ tiền đã hết thời gian…”.
Theo Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), nếu thiếu điện thì nền kinh tế sẽ khó phát triển được. Hiện nay, hệ thống phát điện còn nhiều hạn chế, hệ thống chung cả nước và trong từng địa bàn có sự khác nhau, dẫn đến tình trạng quy hoạch trạm, nguồn điện không phù hợp, vào cao điểm vẫn phải mua điện từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc với giá cao, tốn kém… “Tôi kiến nghị trong quy hoạch điện phải làm sao để có thể kết hợp hài hòa, để người dân ở vùng nào cũng được dùng điện, cuộc sống không khó khăn”, Đại biểu Khiết nói.
Thực tế, quy hoạch điện lực cần phải có cái nhìn dài hơn là điều đã không ít lần được đề cập đến. Không ít chuyên gia đã từng chỉ ra rằng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhu cầu điện phải đi song song. Nếu quy hoạch điện không đi trước một bước thì sẽ không phát triển được, mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 khó thành hiện thực.
“Tôi triển khai một số khu công nghiệp, nằm trọn vẹn trong một huyện nào đó. Yêu cầu của nhà đầu tư như chúng tôi bao giờ cũng là quy hoạch phát triển một địa phương phải có quy hoạch phát triển điện lực đi kèm, tránh khập khiễng, bỏ sót khâu truyền tải phân phối điện... Nếu địa phương nào không làm được điều này thì khó thu hút đầu tư”, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nêu ví dụ.
Theo quy định tại Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện lực, phải đến sau năm 2022, Việt Nam mới có thể có thị trường điện hoàn chỉnh. Nghĩa là trong những năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp (DN) lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc, nghiên cứu ở các mức độ, cấp độ phát triển khác nhau của thị trường điện lực cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá.
Chưa dễ xóa độc quyền
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sự điều tiết của Nhà nước đối với giá điện có thể được thực hiện thông qua các chính sách thuế, các biện pháp kinh tế và tài chính hoặc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong giai đoạn nhất định khi xảy ra biến động bất thường về giá điện. Theo đó, sự điều tiết giá điện không nhất thiết bao gồm việc Nhà nước phê duyệt, quyết định thường xuyên hoặc định kỳ một số loại giá điện…
Ủy ban này cũng cho rằng ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do DN nhà nước độc quyền chi phối, nên không thể giao quyền định giá cho đơn vị điện lực. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Vì vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nhận định: chắc chắn giá điện sẽ còn độc quyền kéo dài, giá không thể cạnh tranh, không thể định hướng theo thị trường. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là quản lý đầu tư hạ tầng như thế nào: “Phải quản lý về việc thu mua điện, đảm bảo cho các nhà đầu tư nhỏ đủ mức để tồn tại. Ngoài ra, phải quản chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, Nhà nước phải thanh, kiểm tra theo đúng luật, nếu không thì tốc độ tăng giá sẽ khủng khiếp”.
Thực tế, căn cứ báo cáo của Chính phủ, tính đến năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 57% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống; nếu tính cả Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) thì 3 DN này nắm giữ 73% tổng công suất. EVN hiện chiếm lĩnh 90% thị phần bán lẻ điện năng trên cả nước. Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh năm 2004 thì DN/nhóm DN được coi là có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên (đối với 1 DN), 50% trở lên (đối với 2 DN) hoặc 65% trở lên (đối với 3 DN).
Như vậy có thể thấy rất rõ tính độc quyền trong ngành điện hiện nay là điều không phải bàn cãi. Không những thế, sự độc quyền ấy lại mang tính tự nhiên, không chịu sức ép nào. Nếu điểm này không được khắc phục, thì mục tiêu hướng tới một thị trường điện cạnh tranh sẽ khó thành hiện thực.
---------------------------------
Quy hoạch điện V đang phải trả giá
Điện lực có tầm quan trọng với đời sống dân sinh và cả DN. Trong quy hoạch phát triển điện lực cần thống nhất bỏ quy hoạch điện cấp huyện mà theo quy hoạch cấp tỉnh. Nếu quy hoạch điện ở cấp huyện sẽ rất khó khăn, khó quản lý.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội)
------------------------------------
Bài học từ Quy hoạch điện V vẫn còn đó, và chúng ta đang phải trả giá rất đắt. Nhà nhà làm xi măng, rồi nhà nhà làm thủy điện: ở phía Bắc, huyện nào cũng có thủy điện, hậu quả là lũ lụt, hạn hán liên miên. Thủy điện đang phải trả giá, 5 - 10 năm nữa vẫn phải trả giá.
Hay như nhiệt điện cũng vậy, sẽ trả giá ngay trong những năm tiếp theo đây. Các nhà cung cấp than sẽ “bóp” ta về giá. Họ cho ta “ăn quen” thành “nghiện” rồi sẽ “bóp” giá.
Những bài học đắt giá đó vẫn đang còn giá trị. Bởi vậy, trong Quy hoạch điện VII tới, phải tính toán để đảm bảo được các yếu tố về môi trường, nông nghiệp, đời sống dân sinh…
Cần sớm cho cạnh tranh về giá bán lẻ điện
Ngành điện đã làm được một số việc, nhưng cũng khiến dân bức xúc quá nhiều. Sự bất bình đẳng trong sử dụng điện, muốn cắt điện lúc nào thì cắt, cho lúc nào thì cho, bảo đến chữa thì chậm chạp. Không thể kéo dài tình trạng này thêm nữa. Phải có Luật Điện lực! Chính độc quyền tạo điều kiện cho họ nên họ mới làm thế. Độc quyền ngành điện gây ra rất nhiều sự cố làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành. Chính phủ phải xóa độc quyền của ngành điện. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sản xuất đình trệ. Dân rất khổ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)
------------------------------------
Tôi cũng đề nghị ngành điện phải công khai minh bạch giá điện. Ngành điện phải đảm bảo cơ sở hạ tầng. Hiện nay, khâu truyền tải hao hụt trên 10%, nhưng lại bắt dân chịu là bất hợp lý…
Với mục tiêu đến năm 2022 mới có cạnh tranh về giá bán lẻ điện là quá muộn. Tôi cho rằng càng cho cạnh tranh sớm bao nhiêu thì dân càng hưởng lợi sớm bấy nhiêu.
Hoàng Ly