Giữa bối cảnh sầu riêng Việt Nam được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xuất khẩu loại quả này năm vừa qua tăng mạnh 480%, đem lại giá trị, lợi nhuận lớn đã khiến nhiều nhà vườn đang trồng các loại cây khác, đặc biệt là cà phê vội vã nhổ bỏ cây cũ, chuyển sang trồng sầu riêng.
Trồng sầu riêng vì hiệu quả kinh tế cao
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng cây sầu riêng tăng hơn 24% mỗi năm, là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay. Hiện tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000ha.
Các vùng canh tác nông sản lớn của cả nước như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ,... đều có diện tích trồng sầu riêng rất lớn. Trong đó, vùng Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn nhất với 51.400ha, sản lượng 336.400 tấn. Đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 33.000ha, sản lượng 372.000 tấn. Vùng Đông Nam Bộ cũng có diện tích lên tới 20.800ha, sản lượng 122.900 tấn.
Nhiều người dân phá bỏ cây trồng cũ để chuyển sang trồng sầu riêng. |
Lý giải cho sự tăng ‘chóng mặt’ của diện tích sầu riêng, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cacao - Cà phê Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Intimex Group đã cho biết nguyên nhân vì loại quả này mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với các mặt hàng nông sản khác.
“Hiện các loại nông sản như cà phê, tiêu cho lợi nhuận từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây sầu riêng có thể mang về khoảng 2 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cà phê. Do đó, rất khó để giữ chân người nông dân ở lại với cây cà phê” – ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.
Với sự chênh lệch lợi nhuận rõ ràng như vậy, việc người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang loại cây hiệu quả kinh tế cao dường như là lẽ đương nhiên.
Chị Đinh Thị Hóa ở xã Đạ Rsal, Huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, năm nay trúng mùa, gia đình vừa thu về 1,1 tỉ đồng từ việc trồng sầu riêng. Chị Hóa kể, khi mới vào Đạ Rsal lập nghiệp, chị cũng trồng cà phê như bao nông hộ khác. Tuy nhiên, do tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", vườn cà phê cho thu nhập không ổn định nên chị đã chuyển sang trồng sầu riêng để đem lại kinh tế cao hơn.
Tại tỉnh Gia Lai, tháng 3/2023, gia đình ông Rơ Châm Ja, xã Ia M'nông, huyện Chư Pah cũng đã phá bỏ vườn cà phê trồng được 19 năm. Ông Rơ Châm Ja nêu lý do vườn cà phê già cỗi nên năng suất thấp mà chi phí cùng thời gian bỏ ra nhiều, vì thế muốn tìm loại cây khác. Ban đầu, ông tính trồng chanh dây. Tuy nhiên, sợ giá chanh bấp bênh nên ông chọn trồng lại cà phê và xen canh sầu riêng.
Việc người dân đồng loạt chuyển sang trồng sầu riêng đã khiến diện tích cà phê tại các vùng trồng giảm nhiều. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê của Việt Nam hiện ở mức 700.000 ha, nhưng thực tế có thể chỉ còn khoảng trên 600.000 ha. Đã giảm khoảng 68.000 ha so với hồi niên vụ 2016/2017.
Nhiều rủi ro, hệ lụy trong tương lai
Việc chuyển đổi cây trồng một cách thiếu tính toán, thiếu kiểm soát, vì lợi nhuận nhất thời và không theo định hướng từ các cơ quan chuyên môn của nhiều nhà vườn như hiện nay đã được các chuyên gia cảnh báo là có thể đem lại rất nhiều rủi ro trong tương lai.
Trước mắt, việc diện tích trồng cà phê giảm nhanh do bị chuyển sang trồng sầu riêng đã khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng, dự báo sản lượng cà phê cho niên vụ 2022/2023 sẽ giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cà phê những tháng cuối năm lên mức trên 70.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, việc sản lượng cà phê, đặc biệt là Robusta giảm cũng đang tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của nước ta, theo thống kê của Chính phủ, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đã giảm 8,7% so với năm 2022. Nếu diện tích trồng tiếp tục giảm thì nước ta có thể sẽ dần mất đi ưu thế của nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới như hiện nay.
Bên cạnh vấn đề về sản lượng cà phê, các cơ quan chuyên môn cũng cho biết, việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng không kiểm soát cũng có thể gây mất cân bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung vượt quá cầu, về lâu dài lại có thể gây tác động ngược với mong muốn ban đầu, ảnh hưởng tới lợi nhuận của người dân.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường là cung vượt quá cầu.
“Nghiêm trọng hơn, nếu diện tích tăng lại nằm trong vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam”, ông Cường nhận định.
Câu chuyện các nhà vườn cam sành ở Vĩnh Long hồi tháng 12/2023 là minh chứng rõ ràng nhất. Những năm vừa qua, do lợi nhuận từ việc bán cam sành rất hấp dẫn, có lúc giá lên tới 13.000-18.000 đồng/kg đã khiến người dân Vĩnh Long chuyển hết sang trồng cam. Tuy nhiên, diện tích phát triển quá nhanh, được mùa, cung vượt xa cầu lại khiến giá cam sành năm nay “rớt” thê thảm, có khi ghi nhận giá bán ra thị trường chỉ 2.000 đồng/kg. Cả vườn thu hoạch 1 tấn cam chỉ thu về khoảng 2 triệu đồng, không đủ bù lỗ, khiến các chủ vườn phải lao đao, kêu gọi giải cứu.
Nhìn vào thực tế trên, hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực để “vết xe đổ” cam sành sẽ không lặp lại. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã 2 lần đưa ra cảnh báo đối với người trồng sầu riêng từ sau khi sầu riêng Việt Nam được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Về phía các địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát chặt phá những loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây trồng xen với sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần loại cây này.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, nông dân không tự mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại vùng mà điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu bất lợi. Không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu đang hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng…
Bích Tâm