Mới đây nhất, khi góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết có đề nghị cơ quan soạn thảo là Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cân nhắc kỹ hơn về việc tăng thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng.
Lo ngại phản tác dụng
Trước đó, cơ quan soạn thảo của Bộ Tài chính đã đề xuất nâng thuế NK thép cuộn cán nóng từ 0% lên 5% với lý do ngăn chặn thép cuộn từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại.
Theo VCCI, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nên thép Trung Quốc sẽ vẫn được hưởng thuế suất 0%. Mức thuế 5% do vậy sẽ chỉ có hiệu lực đối với các nền kinh tế không có cam kết với Việt Nam, tập trung chủ yếu vào Ấn Độ, Đài Loan, Brazil…
“Như vậy, biện pháp tăng thuế MFN này sẽ khiến thép từ Trung Quốc vào Việt Nam có nhiều cạnh tranh hơn”, phía VCCI nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, một số doanh nghiệp (DN) cũng phản ánh nguy cơ khi tăng thuế thì các DN sản xuất thép nội địa đang sử dụng nguyên liệu là thép cuộn cán nóng sẽ gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn cung và giá thành nguyên liệu gia tăng, các sản phẩm không cạnh tranh được với các mặt hàng thép thành phẩm NK.
Vừa qua, một số thông tin cũng cho biết trong bản dự thảo mới nhất về nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125, Bộ Tài chính có đề xuất chưa tăng thuế NK MFN đối với thép cuộn cán nóng.
Còn theo quan điểm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nên giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 là 0%, đồng thời chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08.
Trước đó, Bộ Tài chính cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mỗi năm NK hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó 40% là nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều DN lo ngại việc tăng thuế NK thép cuộn cán nóng có thể “phản tác dụng” khi không hạn chế được thép Trung Quốc vào Việt Nam.
Nguyên nhân là giá thép cuộn cán nóng sản xuất nội địa cao hơn giá NK của Việt Nam từ 15 –20 USD/tấn, tương ứng 3-4%. Nếu tăng thuế 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8-9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng. Như vậy, DN tôn mạ không thể bán sản phẩm sang các nước, ở thị trường nội địa cũng không cạnh tranh được với tôn màu NK.
Ngành thép đang có sự phát triển lệch lạc, chỗ thừa chỗ thiếu |
Bài học cạnh tranh yếu
Theo lưu ý của VSA, Hiệp hội và các DN liên quan đều ủng hộ chính sách của Chính phủ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng việc áp dụng trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Thực tế cho thấy năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 50% thép cuộn cán nóng. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước khi nhà máy của Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi) và công ty Formosa đi vào hoạt động. Các DN vẫn phải NK thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo thống kê, tính riêng 8 tháng đầu năm nay, lượng NK sắt thép các loại đạt 9,65 triệu tấn, trị giá 6,46 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng nhưng giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 3,88 triệu tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 21,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong vấn đề giảm NK thép cuộn cán nóng mà giữa DN với Bộ Tài chính trước đó chưa có sự đồng thuận, cũng cần nhìn nhận một điều là năng lực sản xuất thép trong nước không hẳn là không đủ đáp ứng mà là do năng lực cạnh tranh của ngành thép nội địa quá yếu.
Đặc biệt là nghịch lý sản lượng thép sản xuất trong nước dư thừa nhưng vẫn phải NK thép. Theo chia sẻ của ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA, ngay ở trong nước, các mặt hàng thép cơ bản đều đã dư thừa công suất. Một số dự án thép lớn tiếp tục đi vào hoạt động từ năm 2019 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu.
Không chỉ thép cuộn cán nóng, mà với các sản phẩm thép khác như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, VSA cũng khuyến cáo các DN chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nói, vấn đề của ngành thép Việt không chỉ là tăng hay không tăng thuế đối thép NK, mà cần thấy rõ là vẫn đang có sự lệch lạc trong phát triển, chỗ thừa chỗ thiếu.
Trong khi thép xây dựng dư thừa thì nhiều sản phẩm thép khá trong nước đến nay vẫn gần như chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu (đơn cử như thép cán tấm nóng) và vẫn phải NK từ nước ngoài.
Đó là điều mà DN và các cơ quan quản lý cần tự vấn, rút ra bài học, nhất là khi công cụ tăng thuế thép NK không giúp được gì nhiều trong chuyện này.
Thế Vinh