Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ. |
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đặt vấn đề thời gian gần đây có nhiều tập đoàn nước ngoài mua cổ phần hoặc thực hiện thâu tóm nhà thuốc trong nước, nắm điều hành phân phối thuốc. Đại biểu cho rằng về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng phát triển ngành công nghiệp dược, cũng như việc phân phối, cung ứng thuốc phục vụ chăm sức sức khoẻ nhân dân.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp, chuỗi kinh doanh dược phẩm trong nước, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và phòng ngừa tình trạng mất cân đối thị trường phân phối thuốc trong tương lai.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TP. HCM cho biết, dù muốn giữ quyền phân phối cho doanh nghiệp trong nước nhưng hiện giờ hầu như tất cả tên tuổi lớn trong ngành dược đã có vốn nước ngoài, và thực tế là vốn ngoại đã chi phối.
Bà Lan nhận định trong dự thảo Luật hiện nay đã có nhiều điều khoản đề cập đến vấn đề ưu tiên cho công nghiệp dược, doanh nghiệp dược trong nước tương tự như Luật Dược 2016. Tuy nhiên nội dung chưa rõ ràng về việc áp dụng cụ thể.
“Chúng ta muốn doanh nghiệp trong nước phát triển nhưng đầu ra quan trọng nhất của họ là đấu thầu thuốc trong bệnh viện thì chúng ta lại theo hướng lựa chọn giá rẻ. Trong khi những doanh nghiệp đặt tiêu chí chất lượng thì giá chỉ có thể hợp lý chứ không thể rẻ nhất được. Từ đó doanh nghiệp của chúng ta dần đánh mất thị trường, nguồn thu và phải tìm cách tăng vốn dẫn đến bị yếu tố ngoại chi phối”, bà Lan phân tích việc chọn thuốc rẻ trong đấu thầu không những ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà còn bào mòn ngành công nghiệp dược, khiến cho ngành này khó phát triển bền vững.
Ngoài ra, đại biểu quốc hội cũng đề cập đến thực trạng số đăng ký thuốc hiện nay: “Chúng ta như một vùng trũng của thế giới, nước nào cũng có thể đến xuất khẩu thuốc. Các số đăng ký trùng lặp rất nhiều, 800 hoạt chất mà có tới 22.000 số đăng ký là quá nhiều nếu so với các quốc gia khác”. Bà Lan cho rằng việc quá nhiều mặt hàng thuốc, khó phân biệt sẽ khiến cho quá trình đấu thầu, mua thuốc, lựa chọn thuốc của bác sĩ trở nên phức tạp; khó quản lý giá thuốc.
“Chuyện cấp số đăng ký ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Chúng ta phải học tập các quốc gia khác xem họ hạn chế như thế nào bằng hàng rào kỹ thuật”. Do đó, cần có giải pháp để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh hơn, bớt tiêu cực, hạn chế số đăng ký.
Phát biểu trước Quốc hội, làm rõ về chính sách phát triển ngành công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện nay còn rất yếu, chưa có tên trong bản đồ của thế giới. Dự thảo Luật đã đề cập đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn như mức tối đa về ưu đãi đặc biệt nhưng đây là vấn đề về kỹ thuật lập pháp, do liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác.
“Trong quá trình làm, vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên ngành. Trong dự thảo Luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế nào mà chúng ta dẫn chiếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ.
Bộ trưởng nói thêm, mong muốn có những ưu đãi đặc thù cho ngành dược có thể phát triển. Nếu quy định theo mức chung là áp dụng ưu đãi cho dự án quy mô 30.000 tỷ đồng thì sẽ không có dự án dược nào. Hiện nay, các dự án ngành dược cao nhất cũng chỉ có quy mô 2.700 tỷ đồng; 76,63% các doanh nghiệp dược có quy mô vốn ở mức dưới 300 tỷ đồng.
Đỗ Kiều