Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1/2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Virus corona khiến xuất khẩu thanh long bị đình trệ (Ảnh: Internet) |
Xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh
Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1 đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%. Nguyên nhân chính dẫn đến xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm trong tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 và tháng 1/2019 là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào trong tháng này.
Thống kê theo giá trị trung bình theo ngày làm việc (loại trừ ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ quốc gia) trong tháng 1/2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 130,52 triệu USD/ngày, giảm 20,18% so với tháng 12/2019, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong tháng 1/2020 tính trung bình theo ngày đạt 261,47 tỷ USD/ngày, giảm 6,5% so với tháng 12/2019 và giảm 2,1% so với tháng 1/2019.
Tuy nhiên, trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1/2020 và 3/2/2020), tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020; trong khi nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD/ngày, chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020.
Theo các chuyên gia thương mại, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc là do tác động chính từ dịch virus corona cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch. Theo đó, Trung Quốc chính thức tạm đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ biên giới với Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản (Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT), cho biết có một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho TP Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.
"Như doanh nghiệp Hồng Thái Dương của phía Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu từ 30-40% lượng thanh long của tỉnh Long An đã phải hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương 6.000 tấn. Mặc dù công ty này cũng đã phải đền bù do hủy đơn hàng cho đối tác phía Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/container, nhưng vẫn không đủ bù đắp được thiệt hại cho bà con nông dân do đơn hàng bị hủy", ông Toản dẫn chứng.
Tại Hội nghị "Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona" mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Dự báo tình hình thiệt hại lớn về kinh tế, với riêng hàng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương lớn nhất, ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu; tổn thương đến đầu tư. Tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên đang tiến triển rất tốt đều phải tạm dừng lại, chủ trương năm 2020 sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào".
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản…
“Khơi thông” thị trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết hiện vẫn có các xe hàng nông sản đổ về các cửa khẩu của Lạng Sơn dù tình hình thông quan chưa khả thi thời điểm này.
Trước Tết Canh Tý, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 - 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, khối lượng hàng trên 5.300 tấn.
Đưa ra những kịch bản xấu nhất cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thương mại biên giới năm nay sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch virus corona. Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc khó đạt mốc 120 tỷ USD.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu, vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.
Trên thực tế, các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi như vậy đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Những gì chuyển được đã chuyển ngay, ví dụ như mặt hàng sợi chuyển từ biên giới về Hải Phòng để xuất qua đường biển, nhưng nhìn chung không nhiều.
Ngoài ra, mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường bởi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì...
Do đó, để “cấp cứu” cho nông sản Việt, trước mắt các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C, Vinmart… cần vào cuộc tích cực, đặc biệt đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng “dễ bị tổn thương” như thanh long. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ NN&PTNN chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…
Thanh long “chết lây” vì dịch corona Virus Corona đang bùng phát ở nhiều tỉnh Trung Quốc nên nước này đã thông báo lùi thời gian mở cửa các chợ và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc tại các tỉnh phía Bắc. Điều đó đã ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản chính là rau quả, mà lõi là thanh long bởi đang vào mùa thu hoạch rộ, có thế tới đây là dưa hấu. Thống kê cho thấy, hiện nay tại Long An, Tiền Giang, lượng thanh long tồn kho đã hơn 3000 tấn và vẫn đang tăng lên hàng ngày. Qua rà soát của Bộ NN&PTNT, từ nay đến hết Rằm tháng Giêng, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây này là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía. Đứng từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh: Virus corona bùng phát, những doanh nghiệp như Chánh Thu rơi vào cảnh điêu đứng bởi kế hoạch thu mua cũng như những hợp đồng khách hàng Trung Quốc đã ký kết đều bị hủy bỏ. Thậm chí, có những lô hàng sản phẩm đã cắt rồi dự định xuất đi hoặc đang trên đường xuất đi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ thanh long, ngay cả xoài hay sầu riêng là những loại trái cây chưa được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng lớn. Doanh nghiệp bị tồn kho, tổn thất nặng nề. Bộ NN&PTNN cho biết, để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng. |
Thanh Hoa