Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cơ bản giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...
Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế của Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN |
Về quy tắc xuất xứ hàng hóa, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế của Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, cho biết CPTPP là một FTA toàn diện. Bà nhấn mạnh những đàm phán về thuế liên quan chặt chẽ đến cam kết quy tắc xuất xứ. Vai trò của đàm phán thuế quan và đàm phán Quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng ngang bằng như hai chân song hành. Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, bà Thùy cũng cho rằng CPTPP có bộ nguyên tắc xuất xứ "chặt" nhưng linh hoạt.
Bà Thùy cho biết, De Minimis là quy tắc linh hoạt tuy nhiên các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý, không được phép để thành phẩm quá 10% không bảo đảm quy tắc xuất xứ nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt. Đơn cử, sợi không có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm. Ví dụ, trong 100 tấn vải dệt thành phẩm được phép có 10 tấn sợi không đảm bảo quy tắc xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng.
Còn nếu tính về giá trị, nhiều ngành hàng vẫn được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.
Ngoài ra, cơ chế C/O hiện tại yêu cầu nhà xuất khẩu nộp hồ sơ xin cấp C/O từ cơ quan, tổ chức đươc Chính phủ ủy quyền cấp, sau đó chờ từ 4h đến 3 ngày làm việc để có được C/O, cộng thêm các loại phí, lệ phí.
Khi gia nhập CPTPP, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ do nhà xuất khẩu nhà nhập khẩu được ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất hoặc do mình sở hữu, nhờ đó có thể chủ động trong các thủ tục liên quan đến C/O, không mất thời gian chờ đợi cũng như lệ phí.
Lê Thúy