Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh tại “Diễn đàn đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã” sáng ngày 26/10.
Giá trị nông sản mới là yếu tố quyết định
Trước sự cần thiết trên, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của Bộ ngành liên quan, đặc biệt vai trò của HTX sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường |
Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết gần đây, liên tiếp xuất hiện tin vui từ thị trường nhập khẩu như quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả bưởi da xanh xuất khẩu vào Mỹ… Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên nhưng vấn đề làm sao để duy trì đà tăng trưởng bền vững mới quan trọng. Rõ ràng giá trị quyết định tất cả bởi nhu cầu thị trường luôn biến động.
Trong khi đó, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà.
Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan (gần đây nhất là tác động của dịch COVID- 19). Hện tượng mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến (như tình trạng dư cung, giá giảm mạnh đối với ngành hàng thịt lợn vào đầu năm 2017 những lại thiếu và giá tăng cao năm 2020...).
Nguyên nhân được Vụ Thị trường trong nước chỉ ra là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún (trung bình chỉ đạt 0,18ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ), hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.
Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường (đặc biệt là tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng” ) và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…
Cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản, đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mang tính cào bằng bình quân.
Không để người nông dân 'cô đơn' một mình
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, quá lệ thuộc vào một số thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới (tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2008 là 30,63%, đến năm 2017 giảm xuống 21,70%; bình quân cả giai đoạn là 28%), trong đó, giá trị xuất khẩu tiểu ngạch (hay biên mậu gọi là “kinh doanh dưới chuẩn”), chiếm khoảng 60-70% (qua các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc) do thủ tục đơn giản, chi phí thấp.
Một mặt, không khuyến khích sản xuất nông sản theo đúng các tiêu chuẩn (Vietgap, Global...), đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và do “kinh doanh dưới chuẩn” nên rủi ro cao, hiện tượng bị ép giá, ép cấp, ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu xảy ra khá phổ biến, mặt khác, không khuyến khích các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững phát triển.
Trước những thách thức trên, Đại diện Vụ Thị trường trong nước kiến nghị cần đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại thông qua việc rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan; Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng cần sớm phổ biến rộng rãi đến các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp và xây dựng chương trình triển khai Nghị định 57 một cách thiết thực, tránh tạo ra thêm các quy định cản trở doanh nghiệp tiếp cận các khoản ưu đãi, hỗ trợ đã được nêu trong Nghị định.
![]() |
Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). |
Đặc biệt, đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến nghị cần phát triển kinh tế trang trại, HTX góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, các chính sách hướng đến thúc đẩy HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX.
Cùng với đó là các chính sách tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ; chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, phí; Chính sách và giải pháp về đất đai…
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới mà nếu không theo kịp thì chúng ta tụt hậu so với thế giới như giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, người trẻ thế giới ưu sản phẩm hữu cơ nhanh, gọn, tiện, có không gian tiêu dùng; Xu hướng chuyển đổi số cũng đẩy mạnh không ngừng.
Do vậy, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi, không gian trung chuyển.
Đồng thời, ông Toản nhấn mạnh cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất, tổn thất thu hoạch, gia tăng giá trị cho nông sản. Thêm vào đó, hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng cơ sở tại chỗ làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ người nông dân –" nằm vùng" hướng dẫn thông tin sản xuất cho người nông dân, không để người nông dân cô đơn một mình.
Nhật Linh