Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn du lịch và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam.
Kiến nghị mở cửa biên giới từ ngày 1/5
Trong thư nêu rõ từ ngày 1/5/2022 là thời điểm được đề xuất để chấm dứt tất cả các hạn chế về di chuyển nội địa cũng như di chuyển quốc tế, tức đến và đi từ Việt Nam. Việc này không những sẽ giúp người Việt về nước dễ dàng hơn mà còn tạo ra cơ hội "cứu sống" nhiều doanh nghiệp du lịch.
Kiến nghị từ ngày 1/5/2022 là thời điểm để chấm dứt tất cả các hạn chế về di chuyển nội địa cũng như di chuyển quốc tế, tức đến và đi từ Việt Nam |
Đặc biệt, các doanh nghiệp ủng hộ việc tăng tốc tiêm chủng để đạt độ phủ vắc xin ngừa COVID-19, đề án thí điểm đón khách quốc tế và nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ.
Trong thư gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp cho biết, Lào và Campuchia đã chính thức mở cửa biên giới và điều quan ngại là không ít người Việt ở nước ngoài đã và đang chọn về nước bằng các chuyến bay đến Phnôm Pênh rồi đi đường bộ về nước để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến hồi hương trọn gói.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp trên cho rằng, đã đến lúc cần xác định trạng thái bình thường mới. Mặc dù biến chủng Omicron có thể sẽ gây nguy hiểm nhưng Việt Nam sẽ vượt qua nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao cùng kinh nghiệm chống dịch và các phương pháp điều trị mới.
Trên thực tế, hiện nay hoạt động đi lại gặp khó khăn cũng khiến không ít doanh nghiệp chịu tác động. Ông Vương Vĩnh Hiệp, Tổng Giám đốc công ty TNHH Long Sinh, cho hay doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, ông đề xuất Chính phủ, cơ quan chức năng đơn giản bớt các thủ tục để doanh nhân Việt Nam có thể đi nước ngoài công tác, đàm phán hợp đồng. "Doanh nhân muốn đi nước ngoài thì vẫn được, nhưng khi về thì thủ tục cách ly, xin nhập cảnh khá khó khăn", ông Hiệp phản ánh.
Ông Hiệp dẫn chứng như ở tỉnh Khánh Hòa, doanh nhân trước khi đi ra nước ngoài phải được Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong phê duyệt rồi trình qua công an, UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, theo quy định, chuyến bay chuyên gia chỉ được nhập cảnh ở TP.HCM, vì vậy doanh nhân phải xin cả giấy phép cho phép xuất nhập cảnh của công an TP.HCM...
"Tôi mong muốn Khánh Hòa có quy định cho phép doanh nhân nhập cảnh ở sân bay quốc tế Cam Ranh và cách ly ở Nha Trang, thay vì chỉ được nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất, cách ly tại TP.HCM. Bởi như thế sẽ gia tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc phục hồi".
Còn theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Du lịch, trong lịch sử 61 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm 2021 ước tính phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón khoảng 3.500 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Số doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch - lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Điều kiện kích hoạt thương mại và đầu tư
Theo đó, đại diện Tổng cục Du lịch đề xuất Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023. Trong đó, coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành Du lịch.
Đồng thời, chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài...
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, động lực tăng trưởng kinh tế là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Một khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà phục hồi. Du lịch chưa phục hồi thì chưa kéo được khách sạn, nhà hàng quay trở lại..
Hơn nữa, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến nhiều nhà đầu tư chưa thể đến Việt Nam để tìm kiếm môi trường kinh doanh. Năm 2021, số lượng cam kết nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tăng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhà đầu tư gặp khó khăn khi đến Việt Nam.
Ông Phương cho biết, việc cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam còn khá phức tạp, thời gian kéo dài. Điều này hạn chế thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu và ra quyết định đầu tư, cũng như ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn.
Trao đổi với VnBusiness về thời điểm mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đây chính là nhiệm vụ của gói y tế trong chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua.
Theo ông Cung, kiểm soát dịch bệnh đi kèm với tiêm vắc xin chính là để mở cửa nền kinh tế. Theo đó, hàng không, du lịch, thương mại quốc tế thì phải mở cửa cho chuyên gia vào Việt Nam, đừng bắt họ phải cách ly quá lâu, thủ tục quá phức tạp.
"Những hành động này tưởng chừng rất nhỏ, nhưng tác động rất lớn. Chuyên gia, nhà đầu tư không vào được thì nhiều dự án sẽ bị tắc, thiết bị không nhập được về. Nhà máy có thể xây ở đó nhưng không vận hành được. Đồng thời, ngay cả doanh nghiệp Việt Nam muốn đi ra nước ngoài để tham gia giao thương, xúc tiến thương mại cũng bị bị cản trở, điều này có thể đánh tuột mất nhiều cơ hội", ông Cung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Trong lúc khó khăn này, du lịch nội địa đang là cứu cánh của ngành du lịch, nhưng muốn phục hồi bền vững, du lịch phải đi bằng "hai chân", mở cửa toàn bộ thị trường quốc tế thì du lịch mới sớm trở lại bình thường. Để đẩy nhanh lộ trình mở cửa quốc tế, ngoài việc tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế tới 7 địa phương đã được cho phép, Bộ VH-TT&DL sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế, tốt nhất là vào dịp 30/4. Ngành du lịch cũng phải có những bước chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch này, tự tin nhưng không chủ quản, có độ sẵn sàng thích ứng cao. TS. Lê Duy Bình Giám đốc Economica Việt Nam Không chỉ biến chủng Omicron, một khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn thì còn có thể sẽ xuất hiện biến chủng mới. Vấn đề quan trọng hơn là chúng ta sẽ đối phó với các biến chủng này ra sao để vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo duy trì hoạt động, vận hành của nền kinh tế. Tuyệt đối không gây khó cho mình bằng các hành động, chính sách có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế trong dài hạn cũng như chậm nhịp so với sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, những kịch bản về phục hồi, mở cửa nền kinh tế cần phải được tính đến. Ông Nguyễn Công Hoan Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Doanh nghiệp du lịch vẫn đang trông chờ vào thị trường Tết Nguyên đán song phục hồi không đáng kể. Hiện nay, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp cung cấp một số dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ thương mại như tư vấn làm thủ tục visa, gói cách ly... Điều này chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động qua ngày, đảm bảo công ăn việc làm cho khoảng 40% nhân sự. Doanh nghiệp cũng đã tính tới kế hoạch khi thị trường phục hồi ngay từ thời điểm dịch bùng phát, như kịch bản Chính phủ mở cửa một phần hoặc toàn bộ để bật dậy nhanh chóng. |
Nhật Linh