Những ngày cuối năm 2022, một trong những sự kiện về thu hút FDI đáng chú ý là Tập đoàn Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP.Hà Nội, với quy mô đầu tư 220 triệu USD.
Những ‘cú chốt’ của ông lớn
Theo Samsung, với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam.
Đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam từ lượng sang chất. |
Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.
Ông Roh Tae Moon, Tổng giám đốc Samsung Điện tử, bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng Trung tâm R&D Samsung sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin ưu tú của Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới. Mong rằng những nhân tài công nghệ được bồi dưỡng, phát triển tại đây sẽ là nguồn lực đóng góp tích cực việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam".
Đánh giá về hoạt động thu hút FDI trong năm 2022, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ của dòng vốn chất lượng và hiệu quả khi đầu tư vào Việt Nam. Theo đó dù vốn cam kết giảm 5% nhưng vốn thực hiện cả năm 2022 đạt 21 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
GS. Nguyễn Mại điểm tên các dự án FDI chất lượng cao mà ông ấn tượng trong năm nay đó là sự kiện Lego đầu tư vào Bình Dương 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ 6 thế giới ngoài Đan Mạch, nhà máy đầu tiên hoàn toàn tuần hoàn, dùng năng lượng tái tạo, pin mặt trời, nước thải sử dụng lại, đồng thời tạo thêm 6.000 việc làm.
“Vừa rồi, chúng tôi có đi khảo sát kinh tế tuần hoàn, thấy rất nhiều điển hình như Nestlé chuyển hoàn toàn sang kinh tế tuần hoàn, góp phần vào cam kết với thế giới về phát thải bằng 0 vào 2050 của Việt Nam”, GS. Mại kể.
Cùng với đó, Chủ tịch VAFIE dẫn chứng một bài báo của Pháp với thông điệp là hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào gia công số và phần mềm. Họ nhấn mạnh Việt Nam đủ điều kiện để chuyển đổi số và phát triển hạ tầng. Tại TP.HCM, tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD làm chip bán dẫn nguồn, họ cho biết đây là nhà máy thứ 3 (ngoài Scotland và Israel) của Intel trên toàn cầu và dự kiến vào 2030 cung cấp 20% chip bán dẫn cho thế giới.
Tương tự, Samsung đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, LG cũng rót thêm 1 tỷ USD. Vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Hàn Quốc, các tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD chủ yếu vào công nghệ cao, kinh tế số.
Đáng nói, ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội (HANSIP) cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ...
Cơ hội lớn cho công nghiệp phụ trợ trong nước
Nhìn thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực xe điện, ông Yoon Chang Woo, Tổng giám đốc Posco Việt Nam - tập đoàn được biết là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, chia sẻ: “Có thể mọi người biết đến Tập đoàn Posco của chúng tôi chủ yếu là một tập đoàn về thép, nhưng thực ra Tập đoàn Posco chúng tôi là doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu tổng hợp. Đặc biệt, chúng tôi là doanh nghiệp có thể cung cấp nguyên vật liệu dành cho xe điện”.
Theo đó, Tổng Giám đốc Posco, cho hay nếu có cơ hội trong tương lai, tập đoàn này cũng có thể tiến tới cân nhắc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực nguyên vật liệu sử dụng cho xe ô tô như nguyên liệu pin lưỡng cực, âm cực, ứng dụng như pin xe ô tô điện, hoặc phát triển thép điện, mỏ đất hiếm, nam châm vĩnh cửu… ứng dụng như động cơ lái xe điện.
Rõ ràng khi các tập đoàn hàng đầu thế giới tới Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và Posco đã nhìn thấy tiềm năng trên.
Tổng giám đốc Posco cũng đánh giá những doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung Electronics, công ty sản xuất điện thoại thông minh tiên tiến nhất và LG Electronics, đơn vị sản xuất các thiết bị điện gia dụng được xếp hạng là tốt nhất trên thế giới, đều đã hội tụ xúc tiến vào Việt Nam.
“Tôi đánh giá đây đều là những doanh nghiệp từ những ngành công nghệ thâm dụng kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể cung cấp các bộ phận linh kiện chất lượng cao nhất cho Samsung Electronics và LG Electronics, vậy nên tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết bộ phận này vẫn đang nhập từ Hàn Quốc”, ông Yoon Chang Woo nêu ra.
Ngoài ra, đối với ngành ô tô, các doanh nghiệp ô tô trong nước như Vinfast, Trường Hải, Thành Công đang tích cực sản xuất, vậy nhưng theo hình thức là nhập linh kiện và lắp ráp. Thực trạng là sự tăng trưởng của ngành sản xuất phụ tùng ô tô vẫn còn hạn chế.
“Nếu Việt Nam muốn thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và cao cấp nhất, từ nhận định của tôi, thiết nghĩ Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghiệp phụ tùng, kèm theo đó là sự hỗ trợ về chính sách đi kèm”, Tổng giám đốc Posco khuyến nghị.
“Theo tin tức gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, Apple, một doanh nghiệp toàn cầu, cũng đã quyết định tiến hành sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên nhanh chóng tận dụng những cơ hội như thế này”, ông Yoon Chang Woo chia sẻ rằng Chính phủ Việt Nam có thể đã có các kế hoạch và chính sách chi tiết được chuẩn bị sẵn sàng. Nếu như đã có sự chuẩn bị, thì cần thiết phải thực thi nhanh chóng vào thực tế.
Nhật Linh