Nói về thực trạng nguồn nhân lực cho lĩnh vực cơ khí - tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, PGs.Ts. Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy thuộc trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, cho biết qua số liệu của Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung về nhân sự công nghệ cao (đặc biệt là lĩnh vực Robot và Trí tuệ nhân tạo) thì các dự báo cho thấy hiện chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Từ thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực công nghệ cao
Như lưu ý của ông Vũ, trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành cơ khí – tự động hóa, có không ít các cơ sở đào tạo hiện tại ở Tp.HCM chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu quốc tế hóa của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Hạn chế của các cơ sở đào tạo dẫn tới không thể theo kịp tốc độ phát triển của DN. Trong khi đó, trong tương lai gần, lĩnh vực này sẽ nhanh chóng được phổ biến sâu rộng hơn, được xem là “xương sống” cho công nghiệp chế biến và cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam.
Lĩnh vực cơ khí – tự động hóa của Việt Nam rất cần được lấp “khoảng trống” về nguồn nhân lực công nghệ cao và nâng cao năng lực nội tại cho các DN nội địa. |
Chia sẻ tại tọa đàm do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (IPTC) tổ chức vào ngày 2/7 nhằm bàn về vấn đề đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững, PGs.Ts. Trương Nguyễn Luân Vũ nhấn mạnh điều quan trọng trong thời gian tới là cần định hướng đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hơn nữa, rất cần thực thi một loạt các giải pháp cải tiến mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo được nguồn nhân lực công nghệ cao cho lĩnh vực quan trọng này.
Đứng ở góc độ là một chuyên viên tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại Navigos Group, bà Trần Thu Thảo cho biết: “Theo Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group, các công việc mới trong tương lai nghiêng về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Vì vậy, các nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật, khoa học máy tính sẽ tiếp tục thiếu hụt nhân lực trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Còn theo Ts. Santiago Velasquez (Đại học RMIT), các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng và công nghiệp chế biến nói chung quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro. Do đó, họ xem trọng những nhân lực kỹ năng có thể giúp nâng cao năng suất, tính minh bạch và an toàn tài chính.
Riêng quan điểm của bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng giám đốc HR2B, cho rằng điều quan trọng là lực lượng lao động phải có bộ kỹ năng phù hợp để thu hút vốn FDI. Càng được đảm bảo rằng rằng lực lượng lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng phù hợp với chiến lược kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ càng tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề chính mà hầu hết các DN FDI hay DN nội địa trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa đang gặp phải đều liên quan đến kỹ năng hiện có tại thị trường Việt Nam. Thực ra, kỹ năng phân tích và kỹ thuật số của người Việt đã được cải thiện theo thời gian. Thế nhưng, theo khảo sát gần đây của TalentNet, 61% các công ty tin rằng họ không thể tìm được đúng người có kỹ năng vào đúng thời điểm. Hiện có rất ít ứng viên sở hữu kỹ năng có thể sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay.
Đến thách thức năng lực nội tại
Ngoài hạn chế về nguồn nhân lực nêu trên, còn nhiều vấn đề khác cũng cần được “lấp trống” đối với lĩnh vực “xương sống” của công nghiệp chế biến.
Đơn cử như vấn đề chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc bộ phận cố vấn của Digiwin Software Vietnam, rất cần rút ra những bài học thất bại của các DN sản xuất nội địa trong chuyển đổi số. Đó là thiếu kế hoạch và quản lý dự án kém, giải pháp không phù hợp, thiếu sự tham gia và cam kết của lãnh đạo DN, quản lý thay đổi kém, đánh giá sai nhu cầu của DN, kỳ vọng không thực tế.
Đưa ra lộ trình chuyển đổi số, tự động hóa khả thi cho ngành sản xuất Việt, ông Dũng có lời khuyên cho các DN, bước nền tảng trước tiên là cần tái cấu trúc và tối ưu quy trình vận hành DN, minh bạch quá trình sản xuất. Tiếp đến là bước chuyển số hóa, thông minh hóa bằng cách tích hợp thông tin sản xuất, tài chính, tích hợp máy móc thiết bị. Và bước sau cùng là cộng tác liền mạch với chuỗi cung ứng B2B (DN với DN) trong hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực nội tại và cải thiện năng suất ở hiện trường sản xuất cũng là cả thách thức cho các DN nội địa ở lĩnh vực cơ khí - tự động hóa để đáp ứng nhu cầu “chuyển đổi kép” (chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ và dữ liệu).
Như chia sẻ của ông Vũ Đăng Chu, Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Data Insight Việt Nam, có những DN sản xuất gia công kim loại đã vấp phải “nỗi đau” khi thông tin không kịp thời, khó điều phối, ảnh hưởng đến ngày giao hàng, kiểm đếm thiết bị chỉ mang tính hình thức, xử lý bất thường không kịp thời.
Chính vì vậy, theo ông Chu, khi những DN này triển khai phần mềm số hóa hiện trường sản xuất thì hiệu quả thay đổi rõ rệt. Đơn cử như thời gian xử lý bất thường giảm tới 50%, tính chấp hành kiểm tra thiết bị tăng 100%, tăng hơn 95% trong việc nâng cao tính hiệu suất báo cáo sản xuất và tính chính xác của dữ liệu báo cáo…
Có thể nói, để lĩnh vực cơ khí - tự động hóa của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng phát triển mạnh mẽ, là “xương sống” của công nghiệp chế biến và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai, điều cần thiết là phải lấp đầy “khoảng trống” từ nguồn nhân lực công nghệ cao với trình độ quốc tế, cho đến nâng cao năng lực nội tại cho các DN nội địa nhằm thực hiện tốt xu hướng “chuyển đổi kép”.
Thế Vinh