Câu chuyện Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp lực lượng công an mới kiểm tra kho hàng lậu kinh doanh trực tuyến (online) thuộc dạng “khủng” ở tỉnh Lào Cai chuyên gom hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) rất đáng lưu tâm với các doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý ở khâu kiểm soát trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và mua bán qua kênh thương mại điện tử (TMĐT).
“Lấp kẽ hở” pháp lý
Thông tin ban đầu cho thấy mỗi ngày kho hàng lậu này chốt được khoảng 1.000 đơn hàng online ở khắp cả nước, ước mỗi tháng thu lợi hơn 10 tỷ đồng từ khoảng 90.000 sản phẩm “lậu” được bán online ra thị trường. Thậm chí, trong kho hàng còn có nhiều sản phẩm nhái, giả nhãn hiệu lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci...
XNK qua kênh online đang tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam |
Bên cạnh vấn đề hàng lậu, hàng giả hoành hành qua kênh mua bán online nên được kiểm soát tốt để tránh như kho hàng nêu trên, thì nhiều ý kiến cho rằng khâu quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch qua TMĐT cũng cần khung pháp lý đầy đủ để “lấp các kẽ hở” vi phạm pháp luật và cũng không gây phiền hà cho doanh nghiệp (DN).
Mới đây, khi góp ý dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch qua TMĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dự thảo đưa ra cơ chế các cá nhân, tổ chức TMĐT sẽ cung cấp thông tin về đơn hàng cho Hệ thống để phục vụ hoạt động hải quan.
Ở Điều 3.1 của dự thảo cũng đã giải thích khái niệm thông tin về đơn hàng.Tuy nhiên, khái niệm này được cho là vẫn còn rất chung chung và chưa thể áp dụng trực tiếp.
Và theo VCCI, các DN TMĐT quan tâm đến việc hệ thống của cơ quan hải quan sẽ cần những trường thông tin nào để các DN này chuẩn bị, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp.
Đối với vấn đề kiểm tra hàng hoá qua kênh XNK online, thực tế cho thấy việc kiểm tra thực tế hàng hoá khi có phát hiện nghi ngờ và theo nguyên tắc quản lý rủi ro là cần thiết và hợp lý.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh. Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến DN dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng.
Tránh ảnh hưởng lưu thông hàng hoá
Do đó, VCCI đề nghị trong bản dự thảo này nên bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục.
Khi ấy, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá.
Bên cạnh đó, khác với XNK thông thường, đối với việc mua hàng qua các website TMĐT thì sẽ có nhiều trường hợp hàng hoá có khuyến mãi, giảm giá.
Theo lo ngại của nhiều DN, trong những trường hợp như vậy thì có thể nảy sinh tranh chấp với cơ quan hải quan về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá. Do đó, các DN có đề nghị trong dự thảo nghị định nên hướng dẫn rõ về việc xác định trị giá hải quan trong trường hợp hàng hoá có khuyến mãi, giảm giá.
Hoặc như vấn đề về kiểm tra chuyên ngành, trong bản dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch qua TMĐT lại không xác định cơ chế, trình tự, thủ tục, hiệu lực của các lệnh không cho miễn kiểm tra chuyên ngành.
VCCI tỏ ra băn khoăn: “Điều này có thể tạo ra sự tuỳ tiện khi áp dụng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động lưu thông hàng hoá”.
Ví dụ, xét trường hợp một món hàng có giá trị 500.000 đồng đã trên đường vận chuyển hoặc về đến kho ngoại quan. Người nhập khẩu tin rằng món hàng này được miễn kiểm tra nên mới đặt lệnh mua.
Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý đột ngột đưa lệnh dừng chế độ miễn kiểm tra thì món hàng đó sẽ phải kiểm tra trước khi thông quan. Đối với nhiều các dịch vụ kiểm tra chuyên ngành thì phí dịch vụ đánh giá sự phù hợp có thể lớn hơn giá trị của món hàng rất nhiều.
Chẳng hạn, chi phí dịch vụ thử nghiệm mẫu hàng hoá đó thấp nhất đã là 1 triệu đồng/mẫu. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng người mua bỏ hàng, không nhận, dù hàng đó có thể vẫn đáp ứng quy chuẩn, điều kiện để nhập khẩu, nhưng chi phí để chứng minh điều đó lớn hơn giá trị món hàng.
Giới chuyên gia lưu ý thủ tục hải quan liên quan tới TMĐT qua biên giới (cross-border ecommerce) phải là một minh hoạ sinh động trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho DN trong việc XNK online một cách chân chính, nhưng cũng không để lộ các kẽ hở cho những hành vi bất chính như hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, trốn thuế…
Thế Vinh