Bộ Tài chính xem xét giảm 50% thuế TNCN đối với lao động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó khẳng định nguyên tắc Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Doanh nghiệp có quyền kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016 và đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị quy mô nhỏ và vừa.
Cơ quan này cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện…
Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Chính phủ cũng mong muốn yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5% một năm. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
H.T