Thương vụ Việt Nam tại Algeria trong trung tuần tháng 7/2023 cho biết thị phần cà phê của Việt Nam thường duy trì ở mức cao nhất, chiếm trên 50% thị phần ở Algeria.
Những tín hiệu đáng khích lệ
Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam sang thị trường ở khu vực Bắc Phi này đạt 36.104 tấn (tăng 106% so với cùng kỳ năm 2022), kim ngạch đạt 76,28 triệu USD (tăng 114%).
Để gia tăng kim ngạch XK vào thị trường mới đòi hỏi các DN chế biến nông sản cần nhạy bén hơn nữa trong việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng. |
Từ nhiều năm qua, cà phê luôn là mặt hàng XK hàng đầu của Việt Nam sang Algeria. Cà phê thô tiếp tục là mặt hàng XK chủ lực, hiện chiếm 68% tổng giá trị XK của Việt Nam sang nước này.
Bên cạnh mặt hàng cà phê, theo đánh giá của Bộ Công Thương, Algeria là một trong những thị trường mới ghi nhận tăng trưởng XK cao trong nửa đầu năm nay, tăng đến 91% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngay như hồi quý 1/2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK của Việt Nam sang Algeria đã đạt 63,36 triệu USD, tăng 104,73% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng XK chính gồm có cà phê, hạt tiêu, hàng thủy sản, sản phẩm hóa chất, hàng kim loại thường…
Những tín hiệu sáng như vậy là rất đáng khích lệ trong bối cảnh XK gặp khó khăn ở các thị trường chủ lực truyền thống. Tuy nhiên, với một quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và nằm ở khu vực Bắc Phi và có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi như Algeria thì kim ngạch XK của Việt Nam dù có tăng trưởng cao nhưng vẫn còn khiêm tốn.
Dư địa của thị trường này được cho là vẫn còn nhiều để các doanh nghiệp (DN) Việt khai phá, nhất là những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Như chia sẻ của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, mặt hàng mà Algeria không hạn chế nhập khẩu là sản phẩm mà nước này không sản xuất được như: Gạo, tiêu, cà phê thô, cá basa, cơm dừa, quế, hồi, hạt điều..., hàng nguyên liệu (gỗ, nhựa, giấy...).
Bên cạnh đó, thị trường Algeria cũng có một số rủi ro thương mại. Điều này đòi hỏi DN cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch, nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra và không nên chủ quan với phương thức thanh toán.
Ngoài thị trường nêu trên, “điểm sáng” XK vào thị trường mới còn có thể kể đến Ả Rập Xê út (một thị trường có vai trò đầu tàu ở Trung Đông) đã đạt tăng trưởng 67% trong 6 tháng qua.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), Ả Rập Xê út là thị trường XK tiềm năng lớn của Việt Nam về thủy sản đặc biệt là mặt hàng cá tra trong khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á.
Quốc gia này cũng là thị trường có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông, quyết định lớn tới động thái nhập khẩu hàng thủy sản của các quốc gia trong khu vực. Do đó, chuyên gia của Vasep cho rằng việc thúc đẩy hoạt động XK thủy sản của Việt Nam sang Ả Rập Xê út có ý nghĩa quan trọng.
Hoặc có thể kể đến tăng trưởng XK vào thị trường Argentina đã đạt 35% trong nửa đầu năm nay. Riêng hồi quý 1/2023, XK của Việt Nam vào nước này đạt 323 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong các nhóm hàng XK của Việt Nam vào nước này thì điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất. Ngoài ra, có thể kể đến mặt hàng giày dép; nguyên phụ liệu dệt may…
Nhạy bén tìm đối tác mới, lường trước rủi ro
Argentina được đánh giá là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch XK vẫn còn chưa thực sự cao so với tiềm năng. Giới chuyên gia nhấn mạnh vẫn còn nhiều dư địa cho hàng Việt thâm nhập thị trường có 100 triệu dân này (nhất là mức chi tiêu của người dân Argentina đứng thứ 2 tại khu vực Nam Mỹ).
Để tiếp tục đẩy mạnh XK sang thị trường Argentina, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) có lời khuyên là các DN nên chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường và cập nhật chính sách kinh tế - thương mại - đầu tư của Argentina thông qua cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng hàng hoá của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt ở những thị trường mới, là đầu tàu tại Bắc Phi, Trung Đông, Nam Mỹ như vậy rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với tiềm năng rất lớn ở những thị trường này thì giá trị kim ngạch XK vẫn còn chưa tương xứng. Điều này đòi hỏi các DN Việt cần nhạy bén hơn nữa trong việc tìm kiếm đối tác.
Theo ông Dũng, khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những bất ổn trên toàn cầu đến hoạt động XK thì việc đa dạng hóa các thị trường XK, gia tăng kim ngạch XK vào thị trường mới, gắn với tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là rất quan trọng.
Còn theo Bộ Công Thương, điều cần làm trong thời gian tới là đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường. Việc mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam cần thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, khi nhắm đến thị trường mới đòi hỏi các DN Việt cũng nên chủ động lường trước những rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ, các chính sách ở thị trường có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực của mình. Mặt khác, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng nên các DN cũng cần lưu tâm.
Đặc biệt là ở thị trường mới càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Đó là chưa kể các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số quốc gia được xem là đầu tàu trong một số khu vực. Điều này có thể làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường mới của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Thế Vinh