Xét định hướng tín dụng năm 2024, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% so với năm 2023, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, theo ước tính của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc?
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên, theo quan điểm mới đưa ra từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn đòi hỏi báo cáo tài chính và sản xuất kinh doanh của các DN cần minh bạch hơn nữa. |
Theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong năm 2024, trong bối cảnh hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn, nhu cầu chi tiêu cải thiện, cùng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại liên tục cắt giảm lãi suất huy động trong năm 2023, tạo cơ sở cho việc hạ lãi suất cho vay.
Còn trong báo cáo mới nhất về ngành ngân hàng từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, xét về triển vọng năm 2024, có dự báo rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12% trong năm 2024.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Còn danh mục trái phiếu DN của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định.
Ngoài ra, như chia sẻ của chuyên gia phân tích thuộc VCBS, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ và khách hàng quay lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt. Trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý 2/2024.
Tuy nhiên có sự phân hóa. Thứ nhất, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Thứ hai, nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng DN cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.
Nên nhắc thêm, trong thượng tuần tháng 1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó có nhấn mạnh đến việc “tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN”.
Doanh nghiệp cần minh bạch hơn nữa
Cần lưu ý, trong quyết nghị của Nghị quyết này có nhắc lại tình hình DN năm 2023 vừa qua cho thấy cộng đồng DN gặp khó khăn so với các năm trước. Tăng trưởng về số DN thành lập mới, số DN quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký, lao động đều giảm so với năm 2022. Số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với năm trước. Trong khi đó, năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến cho tăng trưởng tín dụng chậm dù cho Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành.
Trong chia sẻ mới đây với giới DN ở Tp.HCM, Ts. Võ Trí Thành có cho rằng vẫn còn một số thách thức về lãi suất, lạm phát, tỷ giá, nợ xấu, dù cho là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường tài chính tiền tệ trong nước đã qua.
Theo Ts. Thành, lòng tin vào thị trường tài chính chưa được cải thiện. Vẫn còn tồn tại vấn đề là hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh. Nợ xấu gia tăng, nợ nội bảng hiện đã lên trên 3.4% và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Còn trong Báo cáo kinh tế vĩ mô mới công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế Tp.HCM và Cục Thống kê Tp.HCM có cho rằng với chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, sự phục hồi của tổng cầu Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, đặc biệt là sáu tháng cuối năm.
Trong vấn đề tiếp cận và tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính, Ts. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN thuộc Hiệp hội DN Tp.HCM, cho rằng “sức khỏe” của các DN trong năm 2024 tựu trung vẫn nằm ở hai chữ lớn là “kinh doanh” và “tài chính”. Hai chữ này luôn luôn nằm thường trực và ảnh hưởng với nhau.
Riêng về vấn đề tài chính của DN, theo ông Bình, nếu như hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngày càng minh bạch hơn nữa, cộng với chính sách tín dụng cởi mở của Chính phủ thì hy vọng họ sẽ tiếp cận dòng vốn vay tương đối thuận lợi hơn, lãi suất hợp lý hơn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và hạn chế được chi phí lãi vay.
Và để tăng khả năng tiếp cận vốn, rút ngắn thời gian để tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay thì các DN (nhất là các DN vừa và nhỏ) cần phải nâng tầm quản lý, quản trị, nâng tầm về chiến lược kinh doanh từ ngắn hạn cho đến dài hạn. Bài toán tài chính của họ cần minh bạch, vay đúng đối tượng thì việc tiếp cận vốn vay sẽ tương đối thông thoáng hơn.
Thế Vinh