Nhớ lại thời điểm 11 năm về trước khi quyết định chọn Việt Nam, thay vì Trung Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ, ông Jonathan Moreno - Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam, chia sẻ quyết định này đến giờ vẫn cho thấy hoàn toàn đúng đắn.
Cơ hội song hành với thách thức
Theo ông, mỗi một quốc gia đều có lợi thế riêng biệt về thu hút FDI. Ở Việt Nam, doanh nghiệp này đã nhìn thấy tiềm năng để phát triển, mở đầu cho làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. |
"Đến nay, chúng tôi có 4 nhà máy sản xuất ở Mỹ và 1 nhà máy ở Việt Nam. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất ở thị trường Việt Nam, cũng như trong mọi kế hoạch kinh doanh thì Việt Nam đều được nhắc tới để xem xét", ông Jonathan Moreno chia sẻ.
Trong khi đó, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho hay thời gian qua, số lượng thành viên của AmCham liên tục gia tăng. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ muốn tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka đánh giá, Việt Nam vẫn được coi là địa điểm hấp dẫn bởi các công ty muốn đa dạng chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam đã có các lĩnh vực như nội thất, giày dép và may mặc phát triển rất mạnh.
"Chúng tôi thấy rất nhiều công ty mới đang tìm đến Việt Nam và các công ty tại Việt Nam cũng đang mở rộng sản xuất kinh doanh", Giám đốc AmCham chia sẻ và liệt kê nhiều ngành đang có lợi thế thu hút FDI trong thời gian tới như cơ sở hạ tầng, năng lượng...
Thực tế, thời gian qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là quốc gia có cơ hội trong việc đón làn sóng vốn FDI dịch chuyển.
Tại Hội thảo "Dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam" diễn ra ngày 23/11, bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn lại khảo sát của DHL Resilience360 cho thấy Việt Nam là địa điểm hấp dẫn để thu hút dòng vốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ là cơ hội cho Việt Nam thay đổi tư duy cả về mặt hoạch định chính sách và vận hành doanh nghiệp, tập trung hơn vào chất lượng của dự án FDI hơn là số lượng đơn thuần.
Tuy nhiên, bà Mai cũng chỉ ra những thách thức. Điển hình là do những hạn chế trong yếu tố nguồn lực, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, đồng nghĩa lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi giá trị toàn cầu do trình độ công nghệ còn thấp.
Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư
"Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng để giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác".
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Chỉ ra thách thức trong thu hút FDI, ông Vũ Hoàng Linh (Viện Kinh tế Việt Nam) đánh giá nếu doanh nghiệp nội địa không lớn mạnh thì sẽ xảy ra rủi ro các doanh nghiệp FDI thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường.
Ông Linh dẫn chứng khi các tập đoàn xuyên quốc gia vào Việt Nam đều đem theo công ty vệ tinh cung cấp nguyên phụ liệu cho họ. Sự tập trung nguồn lực theo mô hình vệ tinh của các doanh nghiệp FDI sẽ tạo ra rủi ro thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường các loại khác nhau như sản xuất, tiêu thụ, tài chính.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Mai khuyến nghị: Chính phủ cần có những chính sách nhằm nâng cấp cơ cấu nguồn lực của đất nước để phù hợp với mục tiêu của các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm nguồn lực chất lượng cao như kiến thức, công nghệ, hiệu quả hay điều kiện sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.
So sánh hiệu quả thu hút FDI của Việt Nam và các nước ASEAN (Nguồn: Nhóm tác giả trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Theo bà Mai, đó là những lợi thế như nguồn lực tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý trong khu vực ASEAN phát triển nhanh và gần Trung Quốc; dân số trẻ và năng động. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần bồi đắp và củng cố những nguồn lực nhân tạo để thu hút các nhà đầu tư lớn với mục tiêu dài hạn và có chất lượng. Đó là chất lượng môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực ngành công nghiệp phụ trợ...
Còn theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thu hút đầu tư nước ngoài cần gắn với 3 yếu tố là xanh - công nghệ số - văn hóa. Điều này đi kèm với những lợi thế về ý nghĩa địa chính trị, đối tác FTA, khả năng kết nối với các thị trường trên thế giới.
Cho rằng bối cảnh mới đang tác động đến chiến lược thu hút FDI vào Việt Nam, TS. Vũ Quốc Huy (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng cần điều chỉnh thu hút FDI gắn với các yếu tố như COVID-19, chuyển đổi số, cạnh tranh giữa các quốc gia và biến đổi khí hậu. Tuy vậy, dường như "4 bóng đèn" này vẫn chưa được thắp sáng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận chúng ta cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn để đảm bảo dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế.
"Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng để giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lê Thúy