Một thống kê cho thấy, số chi cho khám bệnh, chữa bệnh từ Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 970 triệu USD) vào năm 2009 lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) vào năm 2019.
Ai thiệt, ai lợi?
Nêu ra con số này là vì, những sai phạm được phát hiện mới đây trong việc nâng khống giá thiết bị y tế từ những đề án xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế ở một số bệnh viện công đã gây thiệt hại lớn về chi phí của người bệnh và tiền của BHYT.
Cần siết kẽ hở đẩy giá trong xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế. |
Chẳng hạn như ở Bệnh viện Bạch Mai, việc đầu tư mua 2 robot phẫu thuật về lĩnh vực khớp và sọ não là Mako và Rosa đã bị đẩy giá 2-4 lần so với giá mua vào, khiến người bệnh phải chi từ hơn 4 triệu lên hơn 23 triệu đồng cho chi phí khấu hao thiết bị trên mỗi ca phẫu thuật.
Thực tế cho thấy, do trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế cũng như của các địa phương về lĩnh vực y tế chủ yếu là dành cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, còn với kinh phí đầu tư trang thiết bị y tế ở mức thấp, chỉ khoảng 20-30 tỷ đồng/dự án.
Trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nguồn lực đầu tư của toàn ngành y tế là khoảng 230.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư của ngành, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đầu tư xã hội hóa 50:50, nghĩa là cứ “1 đồng nhà nước cấp thì có 1 đồng xã hội hóa”.
Vì vậy, việc đầu tư lắp đặt máy móc, trang thiết bị y tế theo hình thức xã hội hoá đã được nhiều bệnh viện công trên cả nước thực hiện trong những năm gần đây thông qua việc góp vốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp (DN).
Theo đó, phần lớn các bệnh viện tập trung vào việc lắp đặt các thiết bị xét nghiệm sinh hóa, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật phẫu thuật robot, gamma…
Trong việc hợp tác đầu tư giữa DN với bệnh viện, phía DN được cho là hưởng lợi nhiều hơn. Một số thông tin cho thấy, tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ việc đầu tư các thiết bị là nhà đầu tư bên ngoài hưởng 60-70%, bệnh viện chỉ được 30-40%.
Hiện có tới 80-90% số thiết bị đang được sử dụng tại nhiều bệnh viện được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong khi việc nâng khống giá thiết bị y tế được cơ quan chức năng phát hiện gần đây đã cho thấy những bất cập trong vấn đề này.
Siết kẽ hở đẩy giá
Chính vì vậy, trong phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (diễn ra từ ngày 28 - 30/9), một số đại biểu Quốc hội đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân của những sai phạm trong mua bán thiết bị y tế tại bệnh viện công, đề nghị tìm ra “lỗ hổng” trong cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thanh tra vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế.
Trả lời về vấn đề này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang rà soát lại chính sách xã hội hóa y tế và phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng nghị định của Chính phủ về xã hội hóa y tế. Và một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện công khai giá trang thiết bị y tế.
Cụ thể, hồi đầu tháng 9/2020, Bộ Y tế đã khai trương cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Theo đó, yêu cầu tất cả nhà sản xuất trang thiết bị y tế, các đơn vị đại lý độc quyền, đại lý cấp 1 cung ứng trang thiết bị y tế phải công khai giá bán của máy móc, thiết bị y tế trên cổng thông tin này và công khai toàn bộ kết quả đấu thầu. Hiện đã có khoảng 80.000 kết quả đấu thầu được công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa trong đầu tư trang thiết y tế còn bất cập, thiếu đồng bộ và ổn định, dẫn đến bức xúc của người dân, vì vậy cần quy định rõ định mức đầu tư, tỷ suất đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần giải thêm bài toán bất cập trong cơ chế đầu tư, như: đấu thầu tập trung, quản lý giá thuốc, vật tư thiết bị y tế.
Hiện nay, các quy định về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan về đấu thầu của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC.
Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế hiện nay được cho là còn một số khó khăn, bất cập, vì đây là mặt hàng đặc thù được bổ sung quy định và điều chỉnh tại Thông tư 14/2020/TT-BYT.
Giới chuyên gia cho rằng, nên có quy định điều kiện của nhà thầu trang thiết bị y tế tham dự thầu, nhằm tránh tình trạng mua bán lòng vòng và siết kẽ hở đẩy giá như một số trường hợp đã xảy ra thời gian qua và đảm bảo hiệu quả sử dụng, hiệu quả đầu tư các trang thiết bị y tế.
Thế Vinh