Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng 2015, sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 6,7 triệu tấn, tăng mạnh đến 71,2% so cùng kỳ năm ngoái, với trị giá đạt 1,05 tỷ USD. Riêng tổng lượng phôi thép hợp kim từ Trung Quốc nhập về Việt Nam trong hai tháng gần đây nhất đã lên đến hơn 65.000 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD.
Điều đáng nói, đã có một lượng lớn phôi thép Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam lẽ ra phải chịu thuế suất 9% nhưng được "phù phép", cho một hàm lượng Bo, Crom vào thành phôi hợp kim nhằm được hưởng thuế 0%.
Kẽ hở lách thuế
Ước tính riêng trong tháng 8 và 9/2015, số phôi thép "đội lốt" thép hợp kim nhập về Việt Nam khiến Nhà nước thất thu hơn 1,89 triệu USD tiền thuế (khoảng 42 tỷ đồng). Đó là chưa kể, do không bị đánh thuế nên giá bán của phôi thép Trung Quốc khá rẻ so với thép sản xuất trong nước, đẩy các doanh nghiệp thép Việt rơi vào cảnh tiêu thụ khó khăn.
Điển hình là nhà máy thép Thái Bình Dương tại thành phố Đà Nẵng hồi tháng 8/2015 đã buộc phải giảm công suất từ 300.000 tấn/năm xuống còn 100.000 tấn/năm do sức ép cạnh tranh của thép cây, thép cuộn và phôi thép Trung Quốc.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, cho biết: "Lượng phôi thép giá rất thấp từ Trung Quốc đã và đang đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh và duy trì sản xuất, gây thua lỗ nặng".
Thực chất, hiện tượng phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu "lách luật" đã được cảnh báo khá nhiều lần. Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) từng lên tiếng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ hàng phôi thép Trung Quốc nhập khẩu chứa Crom.
Thế nhưng các công cụ kiểm soát trong nước dường như "yếu mềm" hoặc không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu trước tình trạng này. Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cho rằng Nhà nước cần sử dụng những công cụ đã có để ngăn chặn trào lưu thép Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam.
![]() |
Các DN thép nội đang điêu đứng vì phôi thép Trung Quốc nhập khẩu "lách luật"
Vấn đề đặt ra là đến giờ, ngành công thương, thuế, hải quan và các cơ quan quản lý khác có nhìn ra lỗ hổng này hay chưa, tại sao lại để tồn tại thời gian dài, trách nhiệm kiểm soát ở đâu; Ai đã làm ngơ để hàng triệu tấn phôi thép "đội lốt" hợp kim ồ ạt tuồn vào Việt Nam tiêu thụ; Nếu biết đây là kẽ hở "lách thuế" thì cớ gì lại không có cách bịt lại?
Cần phải nhắc lại, cách đây nửa năm, các doanh nghiệp ngành thép đã phản ánh đến Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ về những bất cập, cần sớm sửa đổi toàn diện Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ban hành ngày 31/12/2013 quy định về chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Bịt đầu hở đuôi?
Rõ ràng, nếu muốn hạn chế tình trạng phôi thép "hợp kim" từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại, tại sao các cơ quan quản lý không sớm quy định rõ ràng hơn tiêu chuẩn cho mặt hàng sắt thép nhập khẩu.
Đây cũng chính là thắc mắc chung của hầu hết doanh nghiệp nội đang vất vả cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, từ phôi thép Trung Quốc cho đến đùi gà Mỹ gần hết đát được bán phá giá.
Bởi vì không chỉ có phôi thép Trung Quốc, những kẽ hở của chính sách thuế quan "bịt đầu hở đuôi" còn tồn tại đến nay vẫn đang được không ít doanh nghiệp nhập khẩu tận dụng để khai không đúng thuế suất, chủng loại, giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu…vừa nhằm trốn thuế vừa để bán giá cạnh tranh hơn với chính hàng Việt.
Lẽ ra, từ vài năm trước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ phải sớm thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép chứa crom nhằm xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn phôi phép Trung Quốc "lách luật", chứ không phải đợi VSA gửi đơn kiến nghị như hiện nay.
Cũng tương tự như vậy, cách đây không lâu, có 6 doanh nghiệp nội chuyên sản xuất các mặt hàng cây đặc Inox và dây Inox có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để "tố" chuyện doanh nghiệp nhập khẩu cố tình áp sai mã hàng hóa cây đặc Inox thành phẩm và dây Inox để lách thuế và trốn thuế hàng tỷ đồng. Hệ quả của việc này là tình trạng Nhà nước vừa thất thu thuế, hàng Inox nhập khẩu bán phá giá, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Có nhiều ý kiến cho rằng các mặt hàng nhập khẩu có tên gọi hoặc phạm vi sử dụng tương tự nhau vẫn có mức thuế suất chênh lệch và chưa có tiêu chuẩn phân biệt rõ ràng dẫn đến thất thu thuế nhập khẩu dài dài. Ngoài ra, việc xác định lại trị giá tính thuế, tỷ giá tại thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa vẫn bị các doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế.
Không những vậy, có không ít doanh nghiệp nhập khẩu còn "lách luật" khi lợi dụng chính sách quản lý rủi ro theo Quyết định 448/CP, theo đó hàng hóa kiểm tra thực tế phải đạt tỷ lệ dưới 7%. Nghĩa là việc miễn kiểm tra thực tế hàng hoá có thể lên đến trên 93%. Với số phần trăm hàng hoá miễn kiểm tra cao như vậy thì rất dễ để các công ty thực hiện hành vi gian lận thương mại có giá trị lớn.
Hiện nay, mánh khoé để hàng nhập khẩu lách luật, né thuế, trốn thuế không loại trừ ngành nào, từ các mặt hàng ô tô, sắt thép, phế liệu, nguyên vật liệu sản xuất cho đến xăng dầu…, với đủ các hình thức lợi dụng việc hưởng thế suất 0% cho đến tạm nhập tái xuất.
Nhìn lại các vụ hàng nhập khẩu "lách luật", lỗi trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý. Nếu chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp khai báo hoặc do "độn" crom như phôi thép Trung Quốc với độ tin cậy còn thấp mà cứ để nhập khẩu ồ ạt thì chẳng khác nào "con voi chui tọt lỗ kim", vô hình chung đã hợp thức hóa cho tình trạng gian lận thương mại.
Ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký VSA Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA ------------------------------- Trong số hơn 1 triệu tấn tôn nhập khẩu của 7 tháng năm 2015, thì có tới hơn 990.000 tấn tôn từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, chiếm 93% và đã tăng 1.312% so với năm 2012. Những mặt hàng này vào Việt Nam ngày càng nhiều, được bán với giá ngày càng rẻ, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Việt Nam cần xem xét việc khởi xướng kiện điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam; trong đó khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam |
Thế Vinh