Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy trong 8 tháng năm 2022 có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 66,42 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 41,5 triệu USD, chiếm gần 10,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan,…
Nhìn từ bài học đầu tư sang Lào
Lũy kế đến ngày 20/8/2022, Việt Nam đã có 1.579 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 21,6 tỷ USD. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Trong các nhóm ngành mà Việt Nam rót vốn đầu tư, tập trung nhiều nhất là ngành khai khoáng (32,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%)...
Lào là quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ doanh nghiệp Việt Nam. |
Chia sẻ về hoạt động đầu tư tại Lào, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar), cho biết TTC Sugar đã đầu tư vào Lào cách đây khoảng 5 năm trên cơ sở mua bán và sáp nhập nhà máy và vùng nguyên liệu của Hoàng Anh Gia Lai. Từ diện tích ban đầu là 79,2ha, Công ty hiện đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 12.000 ha và mục tiêu năm 2025 là lên 20.000 ha.
Thời gian đầu khi đầu tư tại Lào, TTC Sugar gặp nhiều khó khăn do khác biệt về phong tục, văn hoá, di chuyển qua biên giới và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực. Đặc trưng của ngành nông nghiệp hiện đại là gắn liền với sản xuất chế biến, nhưng người dân Lào chưa quen với canh tác cơ giới và sử dụng khoa học kỹ thuật. Kỹ sư tại nhà máy thiếu hụt.
Sau một năm, TTC Sugar đã định vị lại chiến lược đầu tư tại Lào với việc phát triển sản phẩm mía đường organic để khắc phục bất lợi khó đạt năng suất cao; tập trung tạo ra sản phẩm cao cấp nhằm tiếp cận thị trường châu Âu. “Đến hiện tại, chúng tôi nhận thấy đầu tư tại Lào là bước đi chiến lược đúng đắn của TTC Sugar. Chúng tôi đã dần quen với môi trường đầu tư tại đây và tự tin phát triển mở rộng hơn nữa với chính sách tạo điều kiện từ hai Chính phủ”, ông Ngữ cho hay.
Tất nhiên, trong quá trình đầu tư tại Lào, ông Ngữ cũng cho biết còn gặp phải một số khó khăn như thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian và chưa thông thoáng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Một số mặt hàng phụ tùng nhập khẩu gặp vấn đề về hạn ngạch thương mại, một số bị loại ra, phải đóng thuế nhập khẩu cao.
Tới những tham vọng lớn ở Hoa Kỳ, EU
Vấn đề lớn nữa mà lãnh đạo TTC Sugar đề cập là con người – lao động. Hiện, theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam. Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh. Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển vẫn không đủ.
Trang trại chăn nuôi bò sữa tại Nga của Tập đoàn TH. |
“Kim ngạch thương mại từ Việt Nam sang Lào hiện mới đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các nước có quan hệ thương mại với Lào. Quy mô này còn khiêm tốn so với tiềm lực giữa hai bên. Riêng TTC Sugar có thể đóng góp hơn 100 triệu USD vào kim ngạch thương mại trong 3-5 năm tới nếu các điều kiện đầu tư kinh doanh được thuận lợi hơn”, ông Ngữ nói, đồng thời cho biết doanh nghiệp mong muốn đầu tư đa ngành tại Lào thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng thôn tin, Việt Nam đang có 237 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có mặt tại các địa bàn quan trọng có nhiều tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư như các trung tâm kinh tế lớn của Lào, các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam Lào,... Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và giá đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, quặng, khoáng sản,... trên thị trường quốc tế giảm mạnh nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án hoạt động cầm chừng, một số dự án có nguy cơ phải tái cơ cấu lại các hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án. Thực tế đã có một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã phải dừng hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.
Song ở góc nhìn lạc quan, một thực tế không thể phủ nhận là dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư ở thị trường nước ngoài, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á… Đơn cử như Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Nga của Tập đoàn TH; nhà máy xe điện tại Mỹ của VinFast với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2 tỷ USD…
Riêng trong 8 tháng năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết Việt Nam có 75 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 344,8 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có 5 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines sang các thị trường lớn gồm: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án trên 34,68 triệu USD đã đẩy vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc VinFast Hoa Kỳ chia sẻ, trước khi quyết định xây dựng nhà máy xe điện tại Hoa Kỳ, VinFast đã làm việc với nhiều công ty nghiên cứu thị trường ở nước này, đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiếp cận được với người tiêu dùng. "Chúng tôi làm nghiên cứu thị trường kỹ càng, đưa ra phương án của riêng mình để chiến thắng trong cuộc đua, cuộc cạnh tranh này", lãnh đạo VinFast Hoa Kỳ chia sẻ.
Tất nhiên, Tổng Giám đốc VinFast Hoa Kỳ cũng thừa nhận, do là công ty non trẻ nên không thể cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe huyền thoại trên thị trường hiện nay, VinFast chọn cách tiếp cận khác để xe của mình độc đáo, khác biệt với giá cả phải chăng.
Có thể thấy, để cạnh tranh với các hãng xe nổi tiếng trên thế giới rõ ràng là câu chuyện không bao giờ dễ dàng và cần thời gian để chứng minh hiệu quả, song việc VinFast đưa xe điện đến các thị trường toàn cầu như Hoa Kỳ, châu Âu... là một tín hiệu tích cực của ngành ô tô Việt Nam.
Không kinh doanh mảng ô tô mà kinh doanh ở mảng phân phối bán lẻ, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty VinaNutrifood cho biết sẽ "đánh mạnh" thị trường quốc tế bằng cách mở siêu thị hàng Việt trên đấu trường quốc tế, như tại Trung Quốc, Thái Lan..."Chúng tôi sẽ là hệ thống siêu thị đầu tiên ở Việt Nam "đánh" thị trường quốc tế, thay vì chúng ta cứ trở thành thị trường bị động, ngồi im cho doanh nghiệp ngoại vào kinh doanh”, bà Hằng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao việc doanh nghiệp Việt Nam cố gắng trong xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng là tín hiệu hội nhập rất tích cực.
"Chúng ta cũng rất khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài, bởi đây là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong – ngoài nước liền mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng", ông Toàn chia sẻ. Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, những bước đi của nhà đầu tư cũng cần rất cẩn trọng, đi cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía cơ quan ngoại giao, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng, cần thiết với nhà đầu tư.
Lê Thúy