Chiều 15/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận thông qua 7 Luật và 8 Nghị quyết |
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 21/5 và bế mạc vào sáng 15/6 sau 20,5 ngày làm việc.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận thông qua 7 Luật và 8 Nghị quyết. Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Đặc biệt, trong thời gian 3 ngày chất vấn, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: GTVT, TN&MT; LĐ-TB&XH, GD&ĐT trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn sát thực tế, được dư luận xã hội, cử tri cả nước quan tâm. Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, việc đổi mới chất vấn khiến số lượng câu hỏi và trả lời đạt số lượng kỷ lục, trên 260 đại biểu hỏi và trả lời, trên 400 lượt chất vấn và tham gia tranh luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.
Trả lời báo chí về công tác làm Luật tại Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về Luật An ninh mạng, Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cơ quan thẩm tra và soạn thảo, khi Luật được thông qua sẽ bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quốc hội đã xin ý kiến của nhiều nhà khoa học, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng đặc khu ở một số nơi trên thế giới. Việc lùi lại này là dựa trên cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan tới các nội dung về đất đai. Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến của các chuyên gia trong thời gian tới.
"Các dự án Luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này (trong đó có những dự án Luật mới, khó như: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…) đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Thy Lê