Phác họa sơ qua về nền kinh tế thế giới, giới chuyên gia nhận định, quá trình toàn cầu hóa đang đối đầu với khuynh hướng bảo hộ nội địa của một số quốc gia và khu vực kinh tế. Trong khi đó, kỳ vọng thực hiện TPP vào năm 2018 đã không thành hiện thực.
Hơn nữa, nền kinh tế kỹ thuật số (cách mạng công nghiệp lần thứ IV) đang tác động sâu sắc đến sự thay đổi sản xuất và thương mại truyền thống. Trong khi đó, chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ vẫn còn nhiều ẩn số khó lường…
Sức ép sản xuất trong nước
Nhìn chung, như nhận xét của Ts. Trần Du Lịch, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực năm 2017 so với năm 2015 khi chúng ta xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 có nhiều thay đổi, những thách thức mới đối với nền kinh tế nước ta, nhất là đối với DN trong nước. Đây cũng là vấn đề được đưa ra mổ xẻ trong khuôn khổ hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Tp.HCM hôm 9/3.
Trước hết hãy nói về vấn đề lạm phát. Theo lưu ý của ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% có thể sẽ tạo sức ép lớn lên lạm phát cơ bản.
Lạm phát trong nước sẽ chịu tác động của xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại và bị tác động bởi lộ trình tăng giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng của nhà nước (y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt…).
Hơn nữa, giá cả hàng hóa trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những diễn biến bất lợi từ thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đến nguồn cung nhiều loại hàng hóa, dịch vụ (nhất là lương thực, thực phẩm).
Ngoài vấn đề trên, đứng ở góc độ quản lý chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng xu hướng co giãn của cầu nhập khẩu theo thu nhập đã giảm rõ rệt từ năm 2011 đến nay tại hầu hết các nền kinh tế APEC và trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, đặt ra một thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam.
Đó là, khi giá cả thế giới phục hồi, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong khi xuất khẩu tăng yếu (do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng yếu) nên sẽ tạo áp lực rất lớn lên cán cân vãng lai trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, đối với các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa cao gây nhiều sức ép đến sản xuất trong nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến 2018, với mức xóa bỏ thuế quan sâu rộng nhất, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành không phải là thế mạnh của Việt Nam như chăn nuôi, thép, ô tô…
![]() |
Năm 2017 còn nhiều khó khăn cho nền kinh tế nên chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá
Khó tăng trưởng đột phá
Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, sẽ xuất hiện những thách thức mới Việt Nam phải đối mặt. Trước hết là xuất khẩu có thể bị kiểm soát chặt hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài được tái cấu trúc do khan hiếm vốn.
Ông Nghĩa cho rằng sẽ xảy ra những rủi ro tài chính toàn cầu nếu Mỹ từ bỏ vai trò kiểm soát. Mặt khác, song phương bất lợi hơn đa phương cho Việt Nam do đòi hỏi cải cách đổi mới sâu hơn, thực chất hơn. Đồng thời, còn là các áp lực tăng lạm phát, chi phí đẩy, áp lực tăng lãi suất, áp lực khan hiếm lao động đào tạo, áp lực cạnh tranh thay đổi cấu trúc kinh tế.
Nhìn vào các con số chỉ tiêu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 (như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 – 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân CPI khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP), Ts. Trần Du Lịch nhấn mạnh, năm 2017 còn nhiều khó khăn nên chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá nào đó, nhưng hy vọng sẽ là năm chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới.
Còn theo Ts. Võ Trí Thành, Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng vừa phải, khoảng 6% trở lên, cần chính sách kinh tế vĩ mô phải ổn định, đủ linh hoạt, đủ cẩn trọng và có vai trò nỗ lực quan trọng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý những yếu kém của hệ thống tài chính – ngân hàng và cải cách khu vực DN Nhà nước.
Ts. Trần Du Lịch cho biết, với quyết tâm của một “Chính phủ hành động”, từ tháng 4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tiếp tục lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là làm thế nào để rút ngắn con đường từ Nghị quyết của Chính phủ đến đời sống thực tiễn.
Song, trong điều kiện nước ta hiện nay, Ts. Lịch khuyến nghị, để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh còn tùy thuộc vào ba yếu tố: kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba yếu tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển và hội nhập tốt, mà không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.
Thế Vinh