Sau hai năm nền kinh tế phục hồi, tạo được đà tăng trưởng và dần đi vào ổn định, trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đang sụt giảm, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%, thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%.
Tăng trưởng cao nhất chỉ đạt 6,38%
Tại “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016”,_hầu hết các chuyên gia đều nhận định là với thực trạng hiện nay, Việt Nam vượt mức tăng trưởng 6,5% là rất khó khăn.
Nhận định trên có vẻ mâu thuẫn trong bối cảnh Việt Nam mới ký kết những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP hay hiệp định thương mại tự do với EU.
Thế nhưng, trên thực tế, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, những dự báo trên là có cơ sở khi những Hiệp định mới chưa thực hiện thì nền kinh tế Việt Nam đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, dự báo: “Thiên tai, bất ổn của nền kinh tế thế giới và cả nguy cơ quay trở lại của lạm phát cao, chi phí đầu vào có thể tăng, nợ xấu, nợ công, thu ngân sách tiếp tục gặp khó… đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay”.
Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp đề cao doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh và hình thành Chính phủ liêm chính đã mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ ở mức tăng 6,38% so với năm ngoái.
Mới đây, ngân hàng thế giới cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam xuống còn 6,2%, thấp hơn mức dự báo trước đây là 6,5%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2016, GDP chỉ tăng 5,46%, thấp hơn 1,55 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của quý IV năm 2015. Đặc biệt, ngành nông nghiệp được coi là mũi nhọn của nền kinh tế cũng giảm tới 2,69%.
Giá trị sản xuất quý I/2016 giảm với 2,5%, trong đó: ngành trồng trọt mà chủ yếu là lương thực giảm tới 6% so với quý I/2015. Sản lượng lúa cả nước (vụ Đông Xuân) ước giảm khoảng 700 nghìn tấn; năng suất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 5,6% (4 tạ/ha) so với Vụ Đông Xuân năm trước.
Tình hình cũng không mấy khả quan trong lĩnh vực công nghiệp. Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tư giảm 1,7% so với tháng trước và 4 tháng đầu năm chỉ tăng 7,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do công nghiệp khai khoáng tăng trưởng – 1,7% và sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ đạt 9,6%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng Tư đều giảm so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%, thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, cũng là mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Từ đó cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Đặc biệt, không thể xem nhẹ tác động môi trường trong sự phát triển kinh tế.
![]() |
4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%
Xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn
Ts.Lê Đăng Doanh cho rằng môi trường là vấn đề “sinh tử” của xã hội và nền kinh tế Việt Nam vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, nhất là nông nghiệp, ngân sách, du lịch…
Ts.Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng “thiếu giám sát phát thải từ các khu công nghiệp về môi trường; năng lực công nghệ để đánh giá các nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển kém; quy trình xử lý thảm họa quốc gia không có… là những yếu tố làm cho môi trường trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển”.
Ông Phong khẳng định, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/4, diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy sản bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn là 429,2 nghìn hecta; ước tổng thiệt hại khoảng 8.116 tỷ đồng.
Chưa kể, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế và cả cộng đồng DN cho rằng các DN vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như việc tiếp cận các chính sách phát triển các yếu tố đầu tư kinh doanh gồm mặt bằng sản xuất, kinh doanh và vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Hậu quả là khi sức khỏe các DN đã yếu, tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới như nhu cầu tiêu dùng giảm, giá nhiều mặt hàng hóa giảm, và tình trạng thiên tai bất thường đã có ảnh hưởng rất xấu đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Thanh Hoa
PGs-Ts Nguyễn Chí Hải - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TpHCM) Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục và triệt để cải cách khu vực DN nhà nước và hệ thống ngân hàng bằng các nguồn vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ DN và người nông dân. Ngoài ra, Nhà nước điều hành cải cách về thể chế kinh tế theo hướng kiến tạo phát triển. Ts Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Những dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả nên mạnh tay cắt giảm cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân vào dự án đó có lớn cỡ nào cũng hãy xem như một khoản lỗ, giờ phải cắt lỗ, đừng để đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi về sau lại gánh thêm lỗ. Tuy nhiên, để làm được điều này, không nên quay lại quy trách nhiệm cho ai về khoản đầu tư trước đó, vì nếu quy trách nhiệm sẽ không ai dám cắt bỏ dự án đó. Khi đó, những dự án lãng phí, không hiệu quả đã trót đầu tư sẽ không bao giờ bị cắt bỏ, ngân sách càng thêm nặng gánh. Ts. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Không thể hy vọng vào khả năng tạo được đột biến trong năm 2016. Bởi, sau ba tháng đầu năm, theo thông lệ là “quý ăn chơi”, đến ba tháng tiếp theo là thời gian chuyển giao công việc giữa các thành viên cũ – mới trong Chính phủ và các ban Đảng; ba tháng tiếp theo là dành cho việc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. |