Trong chương trình làm việc, Quốc hội cũng sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 47/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tác tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay (Ảnh: Int) |
Theo các số liệu vừa được công bố, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc; sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; thương mại dịch vụ phục hồi mạnh; du lịch phục hồi ấn tượng; tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận…
Một số kết quả ấn tượng như thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ…
Đặc biệt, trong bối cảnh có tới 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. Điều này được S&P dựa trên nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch COVID-19.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường ngày 1/6, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đồng tình với báo cáo và các nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã đề ra trong những tháng cuối năm 2022, đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, chỉ đạo một số nội dung.
Một là, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành.
Về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, đến nay, vốn đầu tư để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ và giải ngân còn chậm, có chương trình phân bổ còn thấp, nhiều khó khăn trong thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi kinh tế.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, cần phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao tập trung xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua; sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh tạo kết nối, thúc đẩy phát triển nhất là những địa phương có đường cao tốc đi qua.
Ba là, có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, kiềm chế bình ổn giá xăng dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát. Cùng với đó phải theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Bốn là, tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Minh Đức